GÓC NHÌN: VẤN ĐỀ PHÂN HÓA CÁC TỘI PHẠM ĐỂ XỬ LÝ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN DƯỚI 16 TUỔI TRONG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực thi hành, Hội đồng nhân dân các cấp có công cụ để thực thi và phát huy quyền giám sát. Trong đó, hoạt động giám sát chuyên đề là một trong những nội dung trọng tâm được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo thực hiện đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, quá trình giám sát có nhiều đổi mới, nội dung có trọng tâm, trọng điểm. Thông qua hoạt động giám sát đã làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nhiều giải pháp quan trọng cho các cấp, các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm pháp chế, tăng cường tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, từ thực tiễn việc tổ chức và thực hiện hoạt động giám sát vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết nên nên trình tự, thủ tục giám sát, việc thành lập Đoàn giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân còn lúng túng; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu; hoạt động giải trình, chất vấn trong các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân trên thực tế còn hạn chế; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát…
Từ thực tiễn đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm hướng dẫn và khắc phục những khó khăn, vướng mắc qua đó phát huy hiệu quả cao hơn, tạo thuận lợi cho Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát, đồng thời đảm bảo thực hiện thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp hoạt động giám sát. Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 đã hướng dẫn khá cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; trong quá trình giám sát không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; hoạt động giám sát cũng được tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả...
Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hình thành đồng bộ thể chế về tổ chức và hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.
Có thể thấy, việc ban hành Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hình thành đồng bộ thể chế về tổ chức và hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong việc xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước tại địa phương.
Từ những quy định của Luật Hoạt động giám sát, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, hàng năm, tại kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thông qua chương trình giám sát của năm sau. Căn cứ vào các quy định về hoạt động giám sát và tình hình thực tế, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hàng quý, tháng. Khi triển khai kế hoạch giám sát, đoàn giám sát mời các thành phần: Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan phối hợp để bàn kế hoạch, nội dung, phương thức tiến hành giám sát. Kế hoạch giám sát ghi rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, thời gian, địa điểm và thành phần đoàn giám sát. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan được mời tham dự các hoạt động giám sát trên địa bàn. Sau giám sát, có báo cáo đánh giá và ý kiến đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành và đơn vị liên quan.
Để làm tốt chức năng giám sát, nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều cải tiến và có tác dụng hiệu quả, thiết thực, như định kỳ 6 tháng, một năm giám sát kết quả triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát theo chuyên đề, vụ việc bức xúc hoặc có nhiều ý kiến, quan tâm đến việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát. Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức được 77 cuộc giám sát chuyên đề đạt hiệu quả và có ý nghĩa quan trọng như: Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh; tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; tình hình thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; việc xử lý các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn chiếm và tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; chương trình sữa học đường; chế độ đối với giáo viên mầm non; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo,...
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh giám sát đối với huyện Yên Phong về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND huyện, HĐND cấp xã từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Các đề xuất, kiến nghị của các đoàn giám sát được các đơn vị bị giám sát tiếp thu và có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Điều đó cho thấy hoạt động giám sát có tác động tích cực đến công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, đến hiệu quả công tác của các đơn vị bị giám sát và các cơ quan có liên quan; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - trật tự trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, vai trò của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đã được nâng lên; căn cứ chương trình giám sát đã được HĐND tỉnh thông qua, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định ủy quyền giám sát cho các Tổ đại biểu. Kết quả, nhiệm kỳ 2016-2021 và từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 08 đợt giám sát chuyên đề về vệ sinh, môi trường nông thôn; thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng bãi rác thải tập trung và điểm tập kết rác thải nông thôn; tình hình khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố...
Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh giám sát về hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã tại thị xã Quế Võ.
Nhìn chung các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh được lựa chọn sát với thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh. Quan tâm các ý kiến, kiến nghị của đại biểu và cử tri; quá trình thực hiện đảm bảo quy định, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các thành phần được mời tham dự đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia giám sát nghiêm túc, các cơ quan đơn vị được giám sát cơ bản đã thực hiện tốt yêu cầu của Đoàn giám sát. Hình thức và phương pháp giám sát chuyên đề đã từng bước được đổi mới, từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, triển khai thực hiện kế hoạch giám sát đến kết luận và kiến nghị giám sát. Giám sát chuyên đề không chỉ nhằm mục đích bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn đề cao trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phải khẳng định rằng, với kết quả của hoạt động giám sát chuyên đề, tạo tiền đề để Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh, được một số bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn quan tâm và có những đánh giá tốt, như: Chính sách thu hút đầu tư; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn; các chính sách liên quan đến con người, an sinh xã hội... đã góp phần cùng với hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước tác động mạnh mẽ, thường xuyên vào sự ổn định và phát triển toàn diện của tỉnh, tạo điều kiện để Bắc Ninh tiếp tục phát triển, vươn lên mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh vẫn còn một số lúng túng, bất cập, hạn chế như: Công tác giám sát chưa tích cực, hoạt động giám sát, khảo sát vẫn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; các đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia hoạt động giám sát còn hạn chế; một số thành viên các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia giám sát chưa đều, chưa dành thời gian thỏa đáng cho công tác giám sát; kinh nghiệm, kỹ năng giám sát của một số đại biểu Hội đồng nhân dân còn có mặt hạn chế; nội dung một số cuộc giám sát chưa sâu, chưa tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự, bức xúc ở địa phương; chất lượng giám sát còn hạn chế, kết luận giám sát, kiến nghị đề xuất còn chung chung; công tác đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được chú trọng; hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa cao…
Những hạn chế nêu trên có một phần nguyên nhân do một số đại biểu Hội đồng nhân dân chưa có đủ kinh nghiệm, năng lực để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Cơ cấu, tổ chức của cơ quan giúp việc (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh) chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao của công tác giám sát. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu ổn định. Một số cơ quan, đơn vị chưa tôn trọng và chấp hành tốt các kết luận, kiến nghị giám sát; chưa có biện pháp chế tài khi đơn vị, cá nhân không chấp hành, thực hiện các kiến nghị giám sát…
Để hoạt động giám sát chuyên đề có hiệu quả, cần chọn nội dung chuyên đề, xây dựng kế hoạch và đề cương báo cáo giám sát cụ thể. Đoàn giám sát trực tiếp đi cơ sở để xem xét quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị, bên cạnh đó, phân công cho các thành viên xem xét hồ sơ, đối chiếu với các quy định của Nhà nước, thấy được những vấn đề còn vướng mắc của đơn vị. Qua các đợt giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến với đơn vị được giám sát những thiếu sót, tồn tại. Từ đó, đề xuất các giải pháp giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau giám sát đều có thông báo kết quả bằng văn bản, báo cáo kết quả giám sát nêu rõ kết quả mà địa phương, đơn vị đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc, thiếu sót cần khắc phục, đồng thời đề xuất kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát...
Từ những kết quả thực tiễn trên, tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai chương trình giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh như sau:
Thứ nhất, thực hiện đúng các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; theo đó, trước ngày 01/3 hàng năm, yêu cầu các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh gửi các nội dung đề nghị giám sát để Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định đưa vào dự kiến chương trình giám sát năm sau.
Chuyên đề giám sát phải là những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương,…Trong đó cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc đa số cử tri quan tâm như những chương trình, dự án, chính sách có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đa số nhân dân; các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, cải cách thủ tục hành chính…. Số lượng cuộc giám sát cũng cần được xem xét cẩn trọng, quyết định phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện và chất lượng, hiệu quả giám sát, tránh dàn trải, tổ chức nhiều cuộc giám sát trong một khoảng thời gian nhưng hiệu quả đạt thấp. Cần có sự khảo sát, phối hợp giữa cơ quan dân cử với các cơ quan kiểm tra, thanh tra để tránh chồng chéo về nội dung, thời gian, địa bàn hay đơn vị bị giám sát; tốt nhất là nên có sự lãnh đạo thống nhất từ cấp ủy cùng cấp đối với các cơ quan về vấn đề này.
Thứ hai, bám sát các nhiệm vụ của đoàn giám sát quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, lập kế hoạch chi tiết của đoàn giám sát, với đề cương gợi ý báo cáo giám sát phải chi tiết, sát thực tiễn, được xây dựng trên cơ sở khoa học, có đủ thông tin cần thiết để làm cơ sở cho việc kết luận giám sát. Để giám sát đạt hiệu quả cao thì thu thập thông tin là khâu đầu tiên và hết sức cần thiết, ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc giám sát. Đại biểu phải lắng nghe thông tin từ phía cử tri, phân tích, đánh giá tính chính xác thông tin, đồng thời đối chiếu với các quy định pháp luật để xem xét vấn đề một cách toàn diện.
Thứ ba, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để xem xét, nghiên cứu những văn bản pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các báo cáo kèm theo; thu thập thông tin qua các kênh khác nhau và thẩm tra lại tính chính xác của những thông tin đó; trước khi làm việc, trao đổi trực tiếp với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, các thành viên đoàn giám sát cần chuẩn bị trước những câu hỏi về vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm để yêu cầu các cơ quan, đơn vị giải trình, làm rõ.
Thứ tư, có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội và các ngành có liên quan tham gia đoàn giám sát. Đoàn giám sát không nhất thiết phải quá đông, quan trọng nhất là chất lượng cán bộ tham gia; vì vậy, nên mời các chuyên gia (kể cả chuyên gia độc lập) am hiểu chuyên sâu về nội dung giám sát tham gia đoàn giám sát. Thành viên Đoàn giám sát phải tham gia giám sát xuyên suốt từ đầu đến cuối cuộc giám sát để đánh giá khách quan, toàn diện nội dung giám sát.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phối hợp với HĐND tỉnh giám sát đối với Công an thành phố Bắc Ninh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm.
Thứ năm, kết luận giám sát cần bảo đảm tính đúng đắn, sát hợp; phát hiện những bất hợp lý của quy định pháp luật trong thực tiễn (nếu có); chỉ rõ được những hạn chế, thiếu sót và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đối với những khuyết điểm đó; kiến nghị rõ, đúng cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, khắc phục. Cần thiết thì ban hành nghị quyết đối với các kết luận giám sát quan trọng, thay vì ban hành báo cáo, thông báo kết luận giám sát, nhằm tăng hiệu lực giám sát.
Trên cơ sở báo cáo giám sát, phải theo dõi, đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị sau giám sát tránh tình trạng các đơn vị chức năng phớt lờ hoặc coi nhẹ, không thực hiện hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát. Thường trực Hội đồng nhân dân phân công các ban Hội đồng nhân dân theo dõi, tổng hợp quá trình chỉ đạo, cũng như tiến độ và kết quả giải quyết của các sở, ngành, địa phương, đơn vị đối với các kiến nghị sau giám sát của Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân tỉnh.
Từ thực tiễn hoạt động giám sát chuyên đề của tỉnh Bắc Ninh và trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, tôi xin kiến nghị và đề xuất hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân như sau:
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã khắc phục những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện giám sát, lựa chọn vấn đề giám sát, chất vấn…. Dự thảo đã quy định rõ hơn liên quan đến việc thành lập Đoàn giám sát, việc xây dựng Kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo giám sát cho phù hợp với tình hình thực tiễn; việc mời các chuyên gia, nhà khoa học có thể được mời tham gia Đoàn giám sát…nội dung sửa đổi, bổ sung trên cơ sở cụ thể hóa một số nội dung từ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính toàn diện, ổn định, đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thời gian qua.
Một số kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với nội dung dự thảo:
(1) Đề nghị bỏ khoản 4, khoản 5 Điều 69b do đây là phiên chất vấn tại các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân do vậy việc quy định Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết là không phù hợp.
(2) Theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân “giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương”, tức là có quyền giám sát đối với hoạt động của mọi cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân,…ở địa phương; trong khi Hội đồng nhân dân được tổ chức ở cả 3 cấp. Vì vậy, đề nghị xem xét, phân định rõ thẩm quyền giám sát giữa Hội đồng nhân dân các cấp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, tránh chồng chéo về thẩm quyền giám sát cũng như đối tượng chịu sự giám sát./.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh
Trần Thị Hằng
|
|