GIÁM SÁT VIỆC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN, NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI TP. HÀ NỘI

17/07/2024

Sáng 17/7, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND quận Hoàng Mai (Tp. Hà Nội).

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẮC NINH VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Dự cuộc làm việc có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật; đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Cùng dự cuộc làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Hà Nội; lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì (Tp. Hà Nội) và một số doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì (Tp. Hà Nội) và một số doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.

Theo thống kê của UBND quận Hoàng Mai, hiện trên địa bàn quận có 17 dự án nhà ở, khu đô thị đã và đang triển khai: Khu đô thị Linh Đàm, Đại Kim, Định Công, Kim Văn - Kim Lũ, Đền Lừ I - II, Thịnh Liệt. Hàng loạt chung cư đã và đang được đầu tư xây dựng, như: The Manor Central Park, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hateco Yên Sở, Gamuda City, Rose Town 79 Ngọc Hồi, Feliz Home...

Trong đó, từ năm 2015 đến năm 2023, có 109 tòa chung cư đã được đưa vào sử dụng, gồm: Chung cư thương mại 87 tòa, chung cư tái định cư 14 tòa, nhà ở xã hội 8 tòa, đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở cho người dân. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn các dự án nhà ở sẽ được triển khai theo quy hoạch được duyệt. Nhà ở xã hội trên địa bàn quận gồm có 26 dự án, trong đó, 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với 91.183m2 sàn; 7 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với 330.548m2 sàn.

Ô đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quỹ đất 20%, 25% dành để xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải bàn giao cho thành phố để xây dựng nhà ở xã hội gồm 1 dự án với 138.054m2 sàn). Ô đất chưa giải phóng mặt bằng thuộc quỹ đất dành để xây dựng nhà ở tái định cư theo phương thức đặt hàng - nay không có nhu cầu, chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội gồm 4 dự án với 1.219.182m2 sàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Về nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn quận Hoàng Mai gồm 1 dự án nhà ở thương mại đã nộp tiền hơn 37,4 tỷ đồng; 4 dự án nhà ở thương mại chưa nộp tiền thu về ngân sách là gần 144 tỷ đồng; 6 dự án nhà ở thương mại phải thực hiện nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa xác định số tiền phải nộp.

Về các vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan, đại diện các Sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và Hiệp hội bất động sản TP, một số doanh nghiệp cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư nhà ở xã hội được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, các văn bản nêu trên chưa quy định danh mục cụ thể về hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Quy định về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại là khó thực hiện vì có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian thực hiện dài…

Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường kiến nghị tại cuộc làm việc.

Đại diện các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị, cần rút gọn quy trình, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà ở xã hội, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, không để lãng phí quỹ đất sạch, tăng nguồn cung giúp bình ổn thị trường nhà ở trên địa bàn thành phố. Đồng thời, các Bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tiến hành thí điểm một số nội dung trong Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến sử dụng quỹ đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xử lý các vi phạm trong xây dựng nhà ở xã hội.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, qua khảo sát thực tế và làm việc với các sở ngành, quận Hoàng Mai, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cung cấp cho Đoàn giám sát nguồn thông tin đầu vào hữu ích cho Đoàn giám sát tổng hợp, đưa vào báo cáo kết quả giám sát, cũng như báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới. Đặc biệt, qua khảo sát thực tế và ý kiến của các cơ quan thực thi tại cơ sở cho thấy rõ, những vướng mắc hiện nay trong thực hiện quản lý, thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đã được tháo gỡ trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để đưa luật vào cuộc sống nhanh hơn, tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận cuộc làm việc.

Ghi nhận các kiến nghị về thực hiện thanh toán hợp đồng BT, điều chỉnh quy hoạch, giải quyết quy trình, thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, các hiệp hội và doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu các văn bản quy định hiện hành để bổ sung, cập nhật thêm các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án để gửi đến Đoàn giám sát thời gian tới. Đoàn giám sát sẽ ghi nhận, tổng hợp chung cùng với phản ánh của các doanh nghiệp, địa phương khác và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là những khó khăn xuất phát từ thực tiễn khách quan, do các quy định của pháp luật./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì (Tp. Hà Nội) và một số doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc.

Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của Tp. Hà Nội phát biểu tại cuộc làm việc.

Ông Nguyễn Viết Tạo, đại diện Tập đoàn Bitexco kiến nghị tại buổi làm việc.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại cuộc làm việc.

Các đại biểu tại cuộc làm việc.

Hồ Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác