ĐOÀN GIÁM SÁT ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH THANH HÓA VỀ THỰC HIỆN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

18/09/2023

Chiều 18/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội do đồng chí Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các nhiệm vụ, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách trên địa bàn tỉnh.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH LÀM VIỆC VỚI TỔNG CỤC THUẾ VỀ THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp và làm việc với đoàn. Dự buổi làm việc có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Văn Hải, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Các thành viên đoàn giám sát tham dự buổi làm việc.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tiếp và làm việc với Đoàn giám sát.

Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ: Dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 là 35.340 tỷ đồng; thực hiện 8 tháng năm 2023 đạt 26.452 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm 2023 và 73% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 2023 đạt 33.456 tỷ đồng, bằng 95% dự toán. Đối với nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, dự toán năm 2023 là 40.091 tỷ đồng; thực hiện 8 tháng năm 2023 đạt 26.176 tỷ đồng, bằng 65% dự toán.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao là 12.505,5 tỷ đồng. Đến nay, đã được giao kế hoạch chi tiết 12.207,4 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, như: UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 31 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến giao ban toàn tỉnh, thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Bên cạnh đó, đã điều chỉnh 4 đợt kế hoạch vốn năm 2023 giữa các dự án. Theo đó, đến ngày 10/9/2023, giá trị giải ngân đạt 6.264,9 tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch. Phấn đấu kế hoạch vốn năm 2023 giải ngân được 12.433,9 tỷ đồng, bằng 99,4% kế hoạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa báo cáo kết quả thực hiện tài chính, ngân sách trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 45 KH/TU, ngày 6-12-2021; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ, thời gian hoàn thành cụ thể cho các sở, ban, ngành đơn vị liên quan để triển khai thực hiện 8 nội dung chính sách đặc thù.

Đến nay, 4 nội dung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về trình tự, thủ tục và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, gồm: Chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước để thực hiện 15 dự án, với tổng diện tích 353,2 ha theo chính sách đặc thù); Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và Chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị. Trong đó: Chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn đang báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn để có cơ sở triển khai thực hiện. Còn lại 3 chính sách về tài chính các sở, ban, ngành cấp tỉnh đang tích triển khai để sớm được thực hiện, gồm: Chính sách về mức dư nợ vay; chính sách về phí, lệ phí và Chính sách về thu từ xử lý nhà, đất.

Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc trên các lĩnh vực, với nhiều chuyển biến tích cực.

Trên cơ sở nội dung báo cáo, tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát cùng đại diện các sở, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đánh giá, thảo luận, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện thu - chi ngân sách địa phương; tình hình triển khai thực hiện đầu tư công năm 2023, kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn; tình hình triển khai Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; tình hình triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ. Đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ cho phép điều chỉnh nguồn vốn cho vay thực hiện một số chính sách tín dụng ưu đãi có nhu cầu vay vốn thấp hơn so chỉ tiêu Trung ương giao chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và những đạt kết quả đáng mừng của tỉnh Thanh Hóa trong thực nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước; việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; công tác quản lý thuế, chi đầu tư phát triển... Đồng thời có những đề nghị, chỉ đạo cụ thể trong thực hiện công tác dự toán, quản lý thu, chi ngân sách; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục rà soát, đánh giá dư địa, thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo kế hoạch thu ngân sách địa phương trong những tháng cuối năm 2023.

Liên quan đến dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tỉnh Thanh Hóa đánh giá sát các yêu tố tác động, từ đó đưa ra dự toán mang tính sát thực. Đối với vấn đề chi ngân sách thường xuyên năm 2024, đồng chí lưu ý Thanh Hóa tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách tiền lương... Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng làm rõ thêm những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa tại buổi làm việc.

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ sát sao, kịp thời của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đối với tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Nhất là sự ra đời của Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng đối với tỉnh trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng làm rõ thêm một số vấn đề đoàn giám sát quan tâm liên quan đến việc bố trí nguồn vốn cho các dự án; việc triển khai thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cũng là kết quả của sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

(Theo Báo điện tử Thanh Hóa)

Các bài viết khác