HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT TẠI KỲ HỌP THỨ 5 ĐÃ GÓP PHẦN THÚC ĐẨY GIẢI QUYẾT HIỆU QUẢ CÁC BỨC XÚC TRONG XÃ HỘI

14/07/2023

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 đã được tiến hành theo các quy định mới tại Nội quy kỳ họp Quốc hội. Với mong muốn hoạt động chất vấn đạt hiệu quả, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm nêu chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, nhằm thúc đẩy giải quyết hiệu quả các bức xúc trong xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực.

KỲ HỌP THỨ 5 TIẾP TỤC CÓ ĐỔI MỚI, CẢI TIẾN, ĐÁP ỨNG NGÀY CÀNG TỐT HƠN YÊU CẦU THỰC TIỄN

Giám sát là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Tại Kỳ họp thứ 5, hoạt động giám sát tiếp tục có đổi mới, nhận được sự đánh giá cao của cử tri, Nhân dân và Đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Báo cáo về việc Tổng kết Kỳ họp thứ 5 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để xem xét kỹ lưỡng các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Các báo cáo của Chính phủ đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội, đánh giá toàn diện, sâu sắc, phản ánh đúng thực tế, cung cấp nhiều thông tin quan trọng làm cơ sở để các vị đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.

Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội. Nhất là đạt “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn do cả yếu tố bên trong và bên ngoài.

Bên cạnh phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong từng ngành, lĩnh vực (đặc biệt là tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội), nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức. Từ đó định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, chủ động giải trình, làm rõ hơn nhiều vấn đề đại biểu quan tâm.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tại Kỳ họp thứ 5, bên cạnh việc nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội đã dành riêng một phiên họp để xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Qua đó, vừa tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là các vấn đề mà cử tri còn trăn trở, băn khoăn, lo lắng, vừa nâng cao vai trò giám sát và trách nhiệm của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân. Điều này cho thấy tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến không ngừng của Quốc hội qua công tác dân nguyện. Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực này, ghi nhận sự tích cực, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác dân nguyện, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những nội dung cử tri kiến nghị, nhưng Chính phủ, các Bộ, ngành còn chậm hoặc chưa được trả lời, giải quyết, hoặc trả lời còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm và đề nghị khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm một số vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần.

Trên cơ sở những cải tiến đã được thử nghiệm, phát huy hiệu quả tại các kỳ họp gần đây và đã được nội quy hóa, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 đã được tiến hành theo các quy định mới tại Nội quy kỳ họp Quốc hội trên tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, tôn trọng, chia sẻ vì lợi ích chung. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, đã có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận. Nội dung chất vấn thiết thực, có tính thời sự, sát thực tiễn đời sống, trong đó có những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ và những vấn đề mới phát sinh đang gây bức xúc trong xã hội.

Với mong muốn hoạt động chất vấn đạt hiệu quả, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm chuẩn bị kỹ câu hỏi, nêu chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy giải quyết hiệu quả các bức xúc trong xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực. Các thành viên Chính phủ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc vấn đề thuộc phạm vi quản lý, cầu thị lắng nghe, tiếp thu, trả lời đầy đủ, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp; giải trình nghiêm túc, rõ trách nhiệm, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, trong đó, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm túc các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các chiến lược, mục tiêu, chương trình trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và cử tri cả nước. Đây cũng là căn cứ để Quốc hội giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 đã được tiến hành theo các quy định mới tại Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm đánh giá khách quan, toàn diện việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2022 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 01/01/2018 đến hết ngày 31/12/2022. Đây là hoạt động giám sát được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang được khắc phục.

Qua giám sát chuyên đề này, Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Đoàn giám sát, cùng các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền, cấp ủy địa phương trong việc triển khai, bảo đảm chất lượng hoạt động giám sát.

Báo cáo kết quả giám sát đã được xây dựng công phu, đánh giá sâu sắc, tổng thể, thể hiện đầy đủ các nội dung trọng tâm. Quốc hội ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua luôn được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm, đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh, đóng góp rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Bên cạnh các kết quả đạt được, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc thêm những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cả ở khâu xây dựng pháp luật lẫn khâu tổ chức thực hiện, chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thống nhất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là căn cứ quan trọng nhằm giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xem xét Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, các Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024 về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Quốc hội  giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát trong năm 2024 đối với 02 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Lan Hương - Phạm Thắng