HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ QUẢN LÝ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM CHƯA ĐẦY ĐỦ

10/04/2023

Theo dự kiến chương trình, tại Phiên họp thứ 22, ngày 11/4 UBTVQH sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Một trong những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát chỉ ra đó là hành lang pháp lý để quản lý bệnh không lây nhiễm ngay từ cơ sở chưa đầy đủ.

NGÂN SÁCH Y TẾ CHO Y TẾ DỰ PHÒNG Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU QUỐC HỘI GIAO

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: GIÁM SÁT THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ, NHẬN DIỆN ĐẦY ĐỦ VẤN ĐỀ ĐỂ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỪA CÓ LÝ, CÓ TÌNH

Mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, giai đoạn 2011-2020, mô hình bệnh tật tại Việt Nam vẫn diễn biến theo xu hướng gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Năm 2019, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường chiếm 3,9% tổng gánh nặng bệnh tật. Các rối loạn tâm thần kinh (bao gồm rối loạn tâm thần, động kinh, sa sút trí tuệ...) chiếm 5,3% tổng số tử vong và gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Mô hình bệnh tật tại Việt Nam vẫn diễn biến theo xu hướng gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. 

Sự thay đổi mô hình bệnh tật với tình trạng gia tăng bệnh không lây nhiễm đòi hỏi tuyến y tế cơ sở không chỉ tập trung vào điều trị ban đầu, mà còn cần thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe để kiểm soát bệnh tật cho người dân và quản lý cả các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Theo thống kê tại thành phố Hà Nội hiện có trên 30% dân số bị huyết áp, hơn 10% người dân mắc đái tháo đường, 0,3% người dân cần phải quản lý các bệnh tâm thần… Đây là những bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính cần được chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, việc quản lý, chăm sóc, dự phòng các bệnh không lây nhiễm ở cơ sở đang gặp khó khăn do những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến đơn thuốc, tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế, phạm vi hoạt động chuyên môn…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ví dụ vướng mắc, bất cập tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mặc dù ngành Y tế thành phố Hà Nội đã kiến nghị nhiều lần nhưng việc sửa đổi quy định tại Quyết định số 831 vẫn chưa được thực hiện.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát.

Quản lý, dự phòng bệnh không lây nhiễm là một trong những nhiệm vụ của y tế cơ sở, y tế dự phòng nhưng vướng mắc trong thanh toán, quyết toán BHYT vẫn chưa được giải quyết triệt để, một số địa phương phản ánh không được thanh toán số tiền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt so với dự toán được giao; một số danh mục kỹ thuật, y tế tuyến xã có thể thực hiện được nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu về nhân lực theo yêu cầu để thanh toán bảo hiểm y tế; một số cơ sở y tế không được thanh toán số tiền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt so với dự toán được giao…

“Chúng tôi vẫn bị bỏ bó buộc bởi tổng mức thanh toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bởi quy định hiện hành là mức thanh toán ở năm sau phải bằng năm trước hoặc cao hơn nhưng không được vượt quá tổng mức thanh toán tại Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế”, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng trong quản lý sức khỏe cộng đồng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Kết quả giám sát bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” cho thấy, y tế dự phòng là lĩnh vực chuyên ngành về phòng ngừa bệnh tật thông qua các hoạt động về giám sát, phòng, chống dịch tễ học và áp dụng các biện pháp can thiệp chuyên môn kỹ thuật y tế, thay đổi hành vi của cộng đồng, hành vi, lối sống của cá nhân để phòng ngừa mắc các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và các hành vi bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao sức khỏe. Bộ máy y tế dự phòng được tổ chức thành 4 cấp, bộ máy ngày càng được củng cố, xắp xếp, tinh gọn từ trung ương tới địa phương, từng bước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện rõ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phòng chống các bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe cộng đồng trong thời gian qua.

Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tăng từ 56,7% năm 2016 lên 86,2% năm 2022. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3%, giảm người nhiễm mới bền vững trong 10 năm qua. Tỷ lệ người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng đạt 35%; tỷ lệ được phát hiện và điều trị đạt 39,3%. Có 88% số xã/phường triển khai quản lý điều trị bệnh tâm thần phân liệt; 80% số xã/phường triển khai quản lý điều trị bệnh động kinh; 85% số bệnh nhân được điều trị ổn định trong số bệnh nhân được phát hiện và quản lý.

Nhiều trạm y tế đã triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Điển hình như tại TP.Hồ Chí Minh đã ra mắt 46 Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; tỉnh Tây Ninh triển khai hoạt động quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình; tại Vĩnh Long, 55% trạm y tế triển khai mô hình y học gia đình.

Hành lang pháp lý để quản lý bệnh không lây nhiễm chưa đầy đủ.

Qua giám sát bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cho thấy, các văn bản pháp luật tuy ban hành nhiều nhưng còn tản mát, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác y tế dự phòng, chưa có Luật để quản lý bệnh không lây nhiễm. Nhận diện phạm vi chức năng y tế dự phòng chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, trong tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Hệ thống y tế dự phòng có nơi còn thiếu ổn định, mạng lưới y tế dự phòng chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống khám, phát hiện sớm, tư vấn và dự phòng bệnh bệnh không lây nhiễm mạn tính.

Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm chủ yếu được đầu tư từ các chương trình, dự án, kinh phí địa phương rất hạn chế, không ổn định và cấp muộn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Kính phí cho các hoạt động y tế dự phòng mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.

Công tác quản lý hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại một số trạm y tế chưa hiệu quả.

Một số trạm y tế chưa làm tốt công tác quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe cá nhân, chăm sóc sức khỏe cho một số đối tượng: người cao tuổi, người khuyết tật, hệ thống thông tin, dữ liệu theo dõi, giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm còn hạn chế; thường xuyên thay đổi cán bộ chuyên trách cho hoạt động phòng chống bệnh không lây (nhất là tuyến cơ sở); một số trạm y tế xã chỉ thực hiện quản lý người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường nhưng không được cấp phát thuốc. Kinh phí cho hoạt động về bệnh ung thư, hen phế quản... còn hạn chế; tỷ lệ người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế tại một số địa phương chiếm tỷ lệ cao, gây ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý, điều trị bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm.

Chưa xây dựng được hệ thống thông tin, dữ liệu cần thiết của hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm; các bệnh không lây nhiêm đang trở thành gánh nặng bệnh tật dẫn đến tử vong lớn và gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Phần mềm báo cáo phục vụ cho các quản lý hoạt động chuyên môn y tế dự phòng rất nhiều, chưa đồng bộ, phần mềm chưa hoàn thiện phải thay đổi cập nhật thường xuyên nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho y tế dự phòng tại cơ sở còn thấp, thiếu cơ chế vận hành các gói dịch vụ y tế dự phòng, nhất là phát hiện, điều trị các bệnh không lây nhiễm do nguồn lực hạn chế, chưa huy động được từ các nguồn khác.

Kết quả giám sát bước đầu cũng đưa ra nhận định, mô hình bệnh tật đã và đang có sự thay đổi, các dịch bệnh mới nổi xuất hiện, diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, thách thức cho y tế dự phòng rất lớn, song y tế dự phòng vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng, nhiều người dân vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì vậy, cần xây dựng luật để điều chỉnh cả bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm và các chính sách pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch./.

Lan Hương

Các bài viết khác