ĐOÀN GIÁM SÁT UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TRƯỞNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ TÂY SƠN, TỈNH BÌNH THUẬN

26/03/2023

Sáng 25/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ dẫn đầu đã thăm, làm việc với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI BÌNH ĐỊNH

Đoàn giám sát đã đi thăm các lớp học, trò chuyện với các thầy giáo, cô giáo đứng lớp và các em học sinh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh và giáo viên về những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; kiểm tra các phòng máy tính, phòng hóa sinh, thư viện, phòng ngủ, bếp ăn tập thể... 


Đoàn giám sát làm việc tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn

Tại cuộc làm việc, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) huyện Tây Sơn cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với thực trạng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và cơ bản phù hợp với khả năng tiếp thu, lĩnh hội kiến thức của học sinh. Huyện đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên kịp thời, giúp giáo viên chủ động tiếp cận dạy học theo chương trình mới. Ngoài các trang thiết bị dạy học đã được trên cấp, nhà trường đã tận dụng và hỗ trợ giáo viên làm thêm đồ dùng dạy học, tận dụng các đồ dùng dạy học cũ hiện có để bảo đảm phục vụ cho việc triển khai Chương trình. Chương trình đã thay đổi cách dạy và học của giáo viên và học sinh, hướng học sinh đến việc tự lực vận động, phát huy năng lực và phẩm chất của các em.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu tại cuộc làm việc

Về khó khăn, khi triển khai giảng dạy các môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, bước đầu giáo viên còn gặp một số lúng túng, nhưng sau đó đã dần ổn định. Các mục tiêu cần đạt của Chương trình cơ bản phù hợp với khả năng tiếp thu của đa số học sinh của nhà trường, nhưng với học sinh người dân tộc thiểu số Ba Na, việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức còn chậm.

Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn Nguyễn Văn Cường cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục với phương châm linh hoạt, tự chủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh phù hợp với loại hình trường chuyên biệt có học sinh người dân tộc thiểu số Ba-Na đang theo học.

Nhà trường đã thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá: thực hiện đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ; kết hợp cho điểm và nhận xét, kết hợp đánh giá của giáo viên với đánh giá của học sinh, khuyến khích học sinh tự đánh giá; đánh giá qua sản phẩm học tập của học sinh. Tuy nhiên thực hiện đánh giá qua các sản phẩm học tập của học sinh còn ít; việc tham gia đánh giá học sinh của phụ huynh và xã hội còn hạn chế.

"Nhà trường đã khắc phục lối dạy học truyền thụ kiến thức một chiều, tổ chức hoạt động học của học sinh lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, giúp học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, qua đó hình thành các năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học. Nhà trường đã chú trọng tạo được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ và chống bạo lực học đường", Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh. 

Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK); việc tổ chức hội thảo giới thiệu các bộ SGK được triển khai sớm, thuận lợi cho giáo viên có thời gian nghiên cứu, thảo luận, lựa chọn bộ sách phù hợp. Khi triển khai lựa chọn SGK, Nhà trường đã thành lập Hội đồng tiến hành lựa chọn SGK phù hợp với các tiêu chí của UBND tỉnh Bình Định. Sau khi thống nhất chọn SGK, Nhà trường thông báo rộng rãi cho học sinh và cha mẹ học sinh để cha mẹ học sinh mua sách cho con em mình. Đảm bảo 100% học sinh đều có đủ SGK trước khi bước vào năm học mới.

Theo phản ánh từ các thầy cô giáo, với học sinh vùng dân tộc, đặc biệt khó khăn như dân tộc Ba Na, giá bán của sách giáo khoa còn cao.


Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tây Sơn Nguyễn Văn Cường chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị nhà trường làm rõ hơn việc trao quyền tự chủ trong bài giảng và quyền tự chủ học tập cho học sinh thì giáo viên có bất cập gì không? Cơ sở vật chất đã được trang thiết bị đầy đủ theo yêu cầu mới nhất của Bộ GD - ĐT theo Chương trình mới hay chưa? Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Đinh Công Sỹ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể của nhà trường, của các thầy cô giáo và cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo Đoàn giám sát. 

Một số hình ảnh Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn: 

]

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác