ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG TRỊ GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

16/02/2023

Ngày 15/02, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng làm trưởng đoàn làm việc với ngành GD&ĐT về giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) tại tỉnh Quảng Trị.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG TRỊ GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng; Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng tham dự làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành GD&ĐT trong thời gian tới- Ảnh: ĐV

Khi Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51) được ban hành, từ Bộ GD&ĐT đến địa phương đã tích cực triển khai thực hiện. Tiến độ triển khai thực hiện tại Quảng Trị đáp ứng với tiến độ chung của cả nước. Việc triển khai chương trình GDPT 2018 đã đạt được kết quả bước đầu.

Các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện chương trình GDPT; khai thác sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên đã được triển khai cơ bản kịp thời, đúng tiến độ.

Công tác lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo đúng theo quy định, minh bạch, khách quan; việc cung ứng sách giáo khoa kịp thời, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Tuy nhiên, chương trình GDPT 2018 triển khai trong thời điểm cơ sở vật chất và đội ngũ chưa được chuẩn bị đầy đủ đã gây khó khăn, lúng túng cho cơ sở khi thực hiện.

Một số chính sách ban hành trong thời điểm thực hiện chương trình mâu thuẫn với nhau (mâu thuẫn nhu cầu giáo viên để thực hiện chương trình GDPT 2018 với chính sách tinh giản biên chế).

Tại buổi giám sát, đại diện các đơn vị quản lý, trường học, giáo viên trực tiếp giảng dạy đã nêu một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn tỉnh.

Đó là cơ sở vật chất vẫn còn nhiều trường chưa đáp ứng mức tối thiểu quy định, đa số còn thiếu phòng học bộ môn, phòng đa chức năng, thiết bị dạy học; kinh phí được cấp để xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên còn thiếu…

Từ những khó khăn được nêu ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương nêu một số kiến nghị với cấp có thẩm quyền: Cần có chính sách cải thiện về tiền lương của nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Cần phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2025; ban hành chính sách hỗ trợ bù giá sách giáo khoa và hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Cho phép các địa phương được phê duyệt để sử dụng tài liệu giáo dục địa phương; có tổng kết, đánh giá và cho phép tổ chức lại, chia tách một số trường học quy mô lớn, nhiều điểm trường để tổ chức hoạt động hiệu quả hơn…

Đề nghị HĐND tỉnh và UBND tỉnh chỉ đạo ban hành Đề án phát triển đội ngũ giáo viên để có chính sách đào tạo lại, hỗ trợ đối với giáo viên dạy liên trường, các chính sách thu hút, đãi ngộ khác đối với giáo viên; có cơ chế phân bổ thêm nguồn lực cho ngành GD&ĐT đảm bảo cơ sở vật chất; ưu tiên bố trí giáo viên đảm bảo cho các địa phương có đủ số lượng để thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là đối với các môn học mới.

Qua báo cáo của ngành GD&ĐT và các ý kiến, kiến nghị của đại diện các trường học, các cán bộ, giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung cho buổi giám sát; các ý kiến, kiến nghị được nêu xác đáng, tập trung đúng nội dung trọng tâm; các nhóm giải pháp đề ra khá đầy đủ, toàn diện.

Đồng thời cho rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội của ngành GD&ĐT tỉnh đã đạt được các kết quả mong muốn.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần thiết, song qua thực tiễn triển khai cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, vì vậy đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành GD&ĐT trong thời gian tới.

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại buổi giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương để có các giải pháp nhằm đề ra chương trình sách giáo khoa chuẩn, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ quản lý và giáo viên… để phù hợp với chương trình GDPT mới.

(Theo Báo điện tử Quảng Trị)