ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK TẠI TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

28/12/2022

Ngày 28/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điện Biên do bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn thực hiện giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/217/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Điện Biên Phủ.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN GIÁM SÁT ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI HUYỆN MƯỜNG CHÀ, TX.MƯỜNG LAY

Bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc.

Triển khai chương trình, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được bồi dưỡng, tập huấn thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Nội dung SGK mới giúp học sinh dễ tiếp cận với bài học, kênh chữ kênh hình đẹp, dễ hiểu, có hướng mở, tạo điều kiện cho học sinh được thực hành nhiều hơn… Tài liệu giáo dục địa phương xây dựng phù hợp với lứa tuổi học sinh, dễ tiếp cận, tìm hiểu địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn có những khó khăn vướng mắc. Giá sách SGK mới cao hơn SGK hiện hành, chưa phù hợp với nhiều gia đình học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số tại các xã khó khăn, học sinh gia đình cận nghèo. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành tài liệu chuyên, giáo viên phải chủ động sưu tầm tư liệu, sách tham khảo để xây dựng bài giảng. Tài liệu giáo dục địa phương chưa được in ấn, giáo viên phải dùng bản PDF. Trường chưa nhận được thiết bị dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vẫn phải dùng thiết bị cũ; hệ thống máy tính phục vụ giảng dạy đã cũ, hiện có 4 phòng không sử dụng được. Trong cùng một thời điểm giáo viên thực hiện 4 chương trình với thông tư đánh giá khác nhau…

Thành viên đoàn giám sát đã trao đổi những nội dung như: Điều kiện ăn ở, học tập của học sinh bán trú người dân tộc thiểu số; chất lượng giáo dục của học sinh sau khi triển khai Chương trình GDPT 2018; nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chương trình GDPT 2018; chất lượng, số lượng giáo viên giảng dạy môn tự chọn (mỹ thuật, âm nhạc)...

Đại diện giáo viên, lãnh đạo nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã giải trình làm rõ những nội dung mà đoàn giám sát yêu cầu. Đồng thời, kiến nghị đề xuất mở rộng khuôn viên nhà trường, để phù hợp với chương trình GDPT 2018; sửa chữa các phòng học đã xuống cấp; tiếp tục tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình GDPT mới; Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn về cấu trúc đề thi đại học (quy định rõ phần trăm kiến thức từng lớp 10, 11, 12) cấu trúc đề thi học sinh giỏi quốc gia theo chương trình mới; hướng dẫn cụ thể việc bồi dưỡng kiến thức liên thông cho học sinh lớp 10 theo chương trình mới, mà trước đó lớp 8, lớp 9 các em chưa được tiếp cận.

(Theo Báo điện tử Điện Biên Phủ)