HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

27/07/2022

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội.

 

Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội

Phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị đối tượng áp dụng gồm Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiêm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội.

Nghị quyết nêu rõ, Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách và nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nội dung giám sát gồm tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 1 Điều 40 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật và việc tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về khuyết điểm và sai phạm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật dựa trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, giám sát theo chuyên đề khi cần thiết, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả. Báo cáo kết quả giám sát kịp thời và đúng thời hạn; đề cao sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động giám sát; chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Cùng với đó, kết quả giám sát phải được tổng hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu giám sát và được công khai theo quy định. Đối với việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước thì trình tự, thủ tục thực hiện giám sát, công bố kết quả giám sát phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Nghị quyết cũng nêu rõ, giám sát văn bản quy phạm pháp luật gắn với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật. Phát hiện việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã được ban hành để kịp thời đôn đốc, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền được giao ban hành văn bản quy định chi tiết thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Nghị quyết quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có liên quan chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp báo cáo, trình bày những vấn đề chủ thể giám sát yêu cầu; trường hợp không thể trực tiếp báo cáo, trình bày được thì ủy quyền cho cấp phó của mình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan.

Nghị quyết cũng quy định về việc quyết định hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, tiếp cận và nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật; xử lý việc chưa ban hành văn bản quy định chi tiết; xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật; báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; chế độ báo cáo hằng năm và công khai báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát.

Nghị quyết nêu rõ, việc báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm hằng năm bắt đầu thực hiện từ năm 2023. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 22/7/2022./.

Minh Thành