Hậu cần - Kỹ thuật “đi trước về sau” thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp

08/04/2025

Tiếp tục Kế hoạch khảo sát phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, chiều 8/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn, làm việc với Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.

Đoàn Khảo sát Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại làm việc với Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại làm việc với Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.

Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; các đồng chí Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.

Về phía Tổng cục, tham dự buổi làm việc với Đoàn khảo sát có Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần-Kỹ thuật; Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Chính ủy Tổng cục Hầu cần-Kỹ thuật; Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm-Tham mưu trưởng Tổng cục và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì cuộc làm việc.

Kiến nghị hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Tình trạng khẩn cấp

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Đại tá Bùi Xuân Lâm, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật cho biết, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp, toàn diện của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Có chức năng, nhiệm vụ Tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo về công tác hậu cần, kỹ thuật (HC-KT) trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác hậu cần, kỹ thuật trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ. Chỉ đạo ngành HC-KT toàn quân thực hiện các nội dung công tác HC-KT trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ.

Những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục đã chỉ đạo tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược HC-KT, thực hiện tốt các Chương trình, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng liên quan đến TTKC; chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, văn bản QPPL về công tác HC-KT Quân đội; xây dựng và hoạt động hậu cần, kỹ thuật KVPT các cấp; nắm chắc khả năng và sẵn sàng huy động nền kinh tế quốc dân bảo đảm kịp thời cho các tình huống chiến tranh, thảm họa (nếu xảy ra)…

Công tác bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó với tình huống khẩn cấp, TTKC được quan tâm làm tốt. Qua 25 năm thi hành, pháp luật về TTKC đã không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước đã có quá nhiều thay đổi, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung. Cũng theo Tổng cục, khi xảy ra Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về xử lý TTKC của các cấp, các ngành (cấp thẩm quyền chưa ban bố TTKC, địa phương đã ban hành văn bản hành chính hạn chế quyền con người, quyền công dân...), gây ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên; khó khăn về thực hiện cơ chế chính sách bảo đảm HC-KT để lực lượng quân đội, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ khẩn cấp; hỗ trợ nhân đạo cứu trợ thảm họa.

Đại tá Bùi Xuân Lâm, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật báo cáo tại cuộc làm việc.

Bên cạnh đó, pháp luật TTKC còn thiếu các quy định thực thi hoặc chưa cụ thể (về huy động nguồn lực; quy trình, thủ tục mua sắm vật chất, trang bị nguồn NSNN trong điều kiện cấp bách nhưng chưa đến mức ban bố TTKC; biện pháp liên quan an sinh xã hội và hỗ trợ tổ chức, cá nhân...) dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Ví dụ cơ chế chỉ định thầu hay đấu thầu… trong ứng phó với dịch COVID-19 để đáp ứng yêu cầu cấp bách ứng phó dịch; mua nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong vùng cách ly.

Vì vậy, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật cho rằng, từ thực tiễn những năm gần đây và dự báo, để chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, ứng phó khi xảy ra tình trạng khẩn cấp như: chiến tranh, thảm họa thiên tai (lũ lụt, bão lụt, sạt lở, dịch bệnh, cháy rừng, động đất, sóng thần), đòi hỏi phải ban hành các quy định có hành lang pháp lý đầy đủ, cao hơn, chặt chẽ hơn Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp.

Các đại biểu dự cuộc làm việc.

Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu với Bộ Quốc phòng, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTKC; chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương củng cố, xây dựng tiềm lực, thế trận HC-KT toàn dân; xây dựng HC-KT khu vực phòng thủ vững chắc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo đảm HC-KT cho tình huống ban bố TTKC. Nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật  liên quan đến công tác HC-KT đồng bộ; ban hành các quy định tiêu chuẩn vật chất HC-KT bảo đảm cho cán bộ, chiến sỹ; chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với một số lĩnh vực đặc thù trong Quân đội, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ trong TTKC. Đầu tư nâng cấp, mua sắm trang bị, phương tiện HC-KT; ưu tiên bảo đảm đủ vật chất, trang bị HC-KT dự trữ SSCĐ, phòng chống sự cố, thảm họa, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Tham gia góp ý về dự thảo luật, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật đề nghị nghiên cứu, bổ sung 01 điều (hoặc 01 khoản) trong Chương I quy định về các loại TTKC, gồm có: TTKC về thảm họa lớn, TTKC về dịch bệnh; TTKC về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; TTKC về quốc phòng; bổ sung giải thích từ ngữ: “Tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”; “Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”. Tổng cục cũng cho rằng, cần có 01 cơ quan giúp Chính phủ đôn đốc, kiểm tra sơ kết, tổng kết việc chấp hành quy định pháp luật về TTKC; nghiên cứu, phát triển hoàn thiện quy định pháp luật về TTKC.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến

Xây dựng quy định về Tình trạng khẩn cấp dựa trên kinh nghiệm thực tế

Đánh giá cao báo cáo của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm HC-KT liên quan đến TTKC, Trung tướng Đỗ Quang Thành mong muốn Tổng cục đánh giá thêm, qua đại dịch Covid-19 cho thấy những khó khăn, bất cập gì cần được quy định bằng luật, trong đó có liên quan đến cả việc dự trữ, cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Về kinh nghiệm quốc tế, từ thực tế lực lượng tham gia CHCN tại Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar của lực lượng Hậu cần-kỹ thuật Quân đội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cũng đề nghị Tổng cục chia sẻ thêm những kinh nghiệm thực tế cần thiết cho việc xây dựng Luật. Cũng tại buổi làm việc, thành viên Đoàn khảo sát đề nghị Tổng cục đề xuất thêm cơ chế giám sát để tránh việc vi phạm quyền con người, quyền công dân khi có Tình trạng khẩn cấp; ngăn chặn hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí về phân bổ, huy động sử dụng nguồn lực trong tình huống khẩn cấp.

Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại

Cho rằng khi Luật Tình trạng khẩn cấp được thông qua, lực lượng HC-KT sẽ là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật và sẽ tổ chức thực thi các nhiệm vụ liên quan, Thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị Tổng cục làm rõ hơn những nội dung liên quan đến chế độ chính sách, việc huy động lực lượng, cứu trợ, tổ chức phương tiện, thiết bị, vận chuyển trong TTKC; vấn đề hợp tác quốc tế trong TTKC…

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Tổng cục cho biết thêm ý kiến về việc xây dựng các quy định liên quan đến các vấn đề như: chỉ huy, chỉ đạo; phối hợp các lực lượng; thông tin liên lạc trong TTKC. Khi có thảm họa về thiên tai, dịch bệnh…thì ngưỡng nào sẽ ban bố, kích hoạt Tình trạng khẩn cấp?

Ý kiến khác từ thành viên Đoàn khảo sát cũng mong muốn, các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật cung cấp thêm dữ liệu thực tiễn cho việc thẩm tra, xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp. Với chức năng nhiệm vụ, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật luôn “đi trước về sau”, vừa là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đề nghị Tổng cục báo cáo rõ hơn kinh nghiệm thực tế trong thực hiện nhiệm vụ trước, trong và sau TTKC. Đặc biệt, từ thực tế phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục chỉ ra những vướng mắc, khó khăn về thực hiện cơ chế tài chính, đấu thầu trong trường hợp xảy ra Tình trạng khẩn cấp... Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị, lực lượng triển khai tập huấn, diễn tập để chủ động, sẵn sàng, không bị động nếu xảy ra tình huống khẩn cấp.

Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần-Kỹ thuật 

Báo cáo làm rõ thêm những nội dung mà Đoàn khảo sát quan tâm, Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần-Kỹ thuật cũng thông tin với Đoàn về chức năng, nhiệm vụ thực tế “đi trước về sau” của lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật, trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ trước, trong và sau các thảm họa, sự cố lớn, trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là việc triển khai cấp bách công tác hậu cần-kỹ thuật sang Myanmar thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn vừa qua. Với phương châm “4 tại chỗ”, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật đã xây dựng các phương án để triển khai các biện pháp thực hiện theo các cấp độ Phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu-Cần kỹ thuật cũng nhấn mạnh, trong Hậu cần-Kỹ thuật, công tác dự trữ là điều rất quan trọng để sẵn sàng huy động, sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng là nội dung theo Thiếu tướng An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu, cần được Đoàn khảo sát, Ban soạn thảo Luật nghiên cứu để có những quy định tạo thuận lợi trong Luật Tình trạng khẩn cấp, đảm bảo thống nhất với các quy định khác về dự trữ trong hệ thống pháp luật.

Trong công tác chuẩn bị, triển khai trước, trong và sau TTKC, Đại tá Trần Công Trường, Phó Cục trưởng Cục Quân y cho rằng, ngành quân y xác định là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị; làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện và diễn tập để sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được yêu cầu. Từ thực tế triển khai cấp bách nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ đột xuất cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar vừa qua, ngành Quân y cũng kiến nghị cần có cơ chế đặc thù trong huy động nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men để phục vụ nhiệm vụ cấp bách trong TTKC. Về nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bỉnh, Cục trưởng Cục Doanh trại cũng đồng tình cho rằng, cần thiết nghiên cứu đưa vào luật các quy định để triển khai nhanh, kịp thời, hiệu quả việc xây dựng, triển khai các công trình dã chiến trong trường hợp khẩn cấp.

Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Chính ủy Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Chính ủy Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật nhấn mạnh, việc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện trên phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị các nguồn lực cho tổ chức thực hiện trước, trong và sau TTKC; trong đó, nghiên cứu những cơ chế đặc thù trong Luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách mà điển hình, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 trong phòng, chống dịch Covid-19.

Kết luận cuộc làm việc, thay mặt Đoàn khảo sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiếp thu ý kiến phát biểu, kiến nghị của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật để nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tình trạng khẩn cấp. Trưởng đoàn khảo sát cũng đồng ý với ý kiến phát biểu của các đại diện đơn vị Tổng cục, cho rằng nguồn lực là nội dung quan trọng cần được nghiên cứu trong quá trình xây dựng luật; cùng với đó là vấn đề bảo đảm con người, vật chất; hợp tác quốc tế…

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại kết luận cuộc làm việc.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Trưởng đoàn khảo sát mong muốn Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật sẽ tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất liên quan đến các quy định pháp luật, để góp phần xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp vừa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa bảo đảm tính khả thi khi trên thực tế./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại làm việc với Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.

Các đại biểu dự cuộc làm việc.

Đại tá Bùi Xuân Lâm, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật báo cáo tại cuộc làm việc.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trịnh Xuân An phát biểu tại cuộc làm việc

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu tại cuộc làm việc

Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Chính ủy Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật phát biểu tại cuộc làm việc

Thiếu tướng An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu phát biểu tại cuộc làm việc

Thiếu tướng Nguyễn Quang Bỉnh, Cục trưởng Cục Doanh trại

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại kết luận cuộc làm việc.

Khắc Phục - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác