Đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ

13/02/2025

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường diễn ra chiều tối 13/2, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp để tháo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như: Áp dụng cơ chế khoán chi cho hoạt động KHCN; ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học; khuyến khích và tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu các đề tài khoa học...

Đề xuất chế độ tự động chuyển nguồn đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ

Tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu KHCN

Chiều tối 13/2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST&CĐSQG).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học…

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết: Chiều ngày 12/02/2025, trên cơ sở Tờ trình số 85/TTr-CP ngày 12/02/2025, Ủy ban KH,CN&MT đã tổ chức họp thẩm tra sơ bộ và có báo cáo số 3244/BC-UBKHCNMT15 ngày 12/02/2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến vào sáng ngày 13/02/2025.

Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình số 85/TTr-CP ngày 12/02/2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp

Việc ban hành Nghị quyết này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 01-TB/BCĐTƯ ngày 22/01/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thực hiện ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 13343-CV/VPTW ngày 10/02/2025 của Văn phòng Trung ương về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.  

Trong Tờ trình của Chính phủ đề xuất thí điểm đối với 04 nhóm chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm: (i) chính sách về tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước; cơ chế hoạt động của tổ chức công lập và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; (ii) thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; (iii) chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu phục vụ các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng 5G, phát triển công nghiệp công nghệ số; (iv) chính sách về thử nghiệm có kiểm soát, trong đó có các quy định mới (đối với vệ tinh quỹ đạo tầm thấp-LEO) và các sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới để thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, giải phóng, khơi thông nguồn lực để phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia…

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Qua nghiên cứu, rà soát, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, các chính sách trên cơ bản chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật, nghị quyết hiện hành. Do vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm chính sách là có cơ sở pháp lý.

Nên tạo điều kiện và thu hút các cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư và ủng hộ cho cơ sở nghiên cứu khoa học

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã cho ý kiến vào những nội dung trọng tâm, đột phá đối với việc tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, ĐMST&CĐSQG như: Áp dụng cơ chế khoán chi cho hoạt động KHCN; ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học; khuyến khích và tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu các đề tài khoa học.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển

Đề cập đến cơ chế khoán chi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển nêu quan điểm, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu và đề cập rõ hơn về cơ chế khoán chi để tạo các viện nghiên cứu, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng, khi áp dụng cơ chế khoán chi nên tạo điều kiện và thu hút các cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư, ủng hộ cho các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học.

Cần có hướng dẫn cụ thể xác định giá trị tài sản để làm cơ sở xác định giá trị vốn góp

Đóng góp ý kiến vào vấn đề hợp tác, phân bổ nguồn lực cho hoạt động khoa học công nghệ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi nêu quan điểm: Trong dự thảo Nghị quyết cần được chú trọng đến các chương trình khoa học, dự án quan trọng quốc gia; quan tâm đến cơ chế tài chính, cơ chế hợp tác trong khối đơn vị công lập và khối tư nhân, khối doanh nghiệp công lập thúc đẩy hợp tác quốc tế; ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các chương trình khoa học.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Ngoài ra, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi, cần có sự thay đổi trong cơ chế thanh quyết toán. Cơ chế quản lý cần phải thay đổi, trong đó chú trọng đến chế độ đãi ngộ cho các chuyên gia, nhà khoa học tại các trường đại học và viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân

Nêu quan điểm về thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (Điều 5) và Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN (Điều 10), đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã cho phép tổ chức khoa học và công nghệ công lập được dùng bản quyền công nghệ để tham gia góp vốn vào doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ do chính cơ sở, tổ chức đó sở hữu, được giao đại diện sở hữu. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể xác định giá trị bản quyền công nghệ (tài sản) để làm cơ sở xác định giá trị vốn góp và sau đó giao cho tổ chức khoa học công nghệ tham chiếu quy định, hướng dẫn tham chiếu tự quyết định việc góp vốn.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học còn đóng góp ý kiến vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ Khoa học công nghệ, cơ chế kiểm soát rủi ro và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học...

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời khẳng định, hồ sự dự thảo Nghị quyết đáp ứng đủ tiêu chuẩn để trình Quốc hội xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đề nghị các Bộ, cơ quan bao quát hết các vấn đề, nhiệm vụ, nhóm chính sách trong việc đổi mới hoạt động KHCN, ĐMST&CĐSQG được đóng góp tại Phiên họp này để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, giải trình trước khi trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn

Đại biểu Phan Xuân Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Bích Lan - Nghĩa Đức