Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật

15/10/2024

Nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phân định rõ quy trình lập pháp và xây dựng văn bản dưới luật,... cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp thứ 12 Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, hiệu quả

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phù hợp, khả thi. Vai trò của pháp luật trong hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội cũng ngày càng được đề cao. Cùng với đó, chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, dễ tiếp cận,... Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, khả thi; tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số yêu cầu phát sinh từ thực tiễn chưa được pháp luật điều chỉnh kịp thời;…

Vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội... ”. Tiếp đó, một trong các yêu cầu được Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  đặt ra là: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.”.

Phiên họp thứ 12 Hội đồng khoa học của UBTVQH

Tại Phiên họp thứ 12 Hội đồng khoa học của UBTVQH, các ý kiến thành viên HĐKH, chuyên gia đều tán thành cao sự cần thiết phải đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp, GS. TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thành viên HĐKH của UBTVQH cho rằng, việc đổi mới, hoàn thiện  quy trình xây dựng pháp luật phải trên cơ sở đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện thực trạng quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) với góc nhìn khách quan, đa chiều, bám sát các tiêu chí "chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả" để xác định những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, những vấn đề mà thực tiễn đặt ra cần phải giải quyết.

 GS. TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thành viên HĐKH của UBTVQH

Cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới quy trình lập Chương trình xây dựng pháp luật,.. PS. TS Phan Trung Lý đề nghị, nghiên cứu tiếp tục quy định rõ và đầy đủ hơn thành một quy trình về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân tham gia góp ý kiến trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); rà soát, hoàn thiện các quy định về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng, ban hành VBQPPL. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm thực hiện phản biện xã hội trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ -  Chuyên gia pháp luật nhấn mạnh tới yêu cầu sửa đổi toàn diện, cơ bản đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, cần nghiên cứu sửa đổi đáp ứng yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm các tiêu chí, yêu cầu về tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng đổi mới quy trình xây dựng chính sách, đây là cơ sở quan trọng để đề xuất có xây dựng, ban hành hay sửa đổi luật; quy trình này chỉ cần cơ quan đề xuất tiến hành phê duyệt. Đồng thời, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật; phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình này, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp.

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ -  Chuyên gia pháp luật 

Ngoài ra, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ cũng kiến nghị đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, cần rà soát để làm rõ các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, ví dụ như thế nào là “trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”. Căn cứ tình hình thực tiễn, để đơn giản hóa quy trình, thủ tục và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản.

Cho rằng cơ chế thành lập Ban soạn thảo hiện nay rất hình thức, hiệu quả chưa cao, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ đề nghị nghiên cứu thay bằng cơ chế tham vấn; Bộ, ngành được giao chủ trì xây dựng dự án luật phải có trách nhiệm tham vấn các bộ khác cho đến khi đạt được sự đồng thuận của nội dung chính sách đề xuất.

PGS. TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thành viên HĐKH của UBTVQH 

Nêu quan điểm, PGS. TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thành viên HĐKH của UBTVQH nhấn mạnh tới vai trò, thẩm quyền của các ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự án luật. Theo PGS. TS Lê Minh Thông, các dự án luật trước khi trình Quốc hội, phải được các Ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng; 1 dự luật chỉ đưa vào chương trình nghị sự khi đã thông qua tại Ủy ban bằng 1 nghị quyết.

PGS. TS Lê Minh Thông cũng lưu ý, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các dự luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo đó, Luật chỉ được xem xét ban hành khi vấn đề đã thực sự chín muồi và có tính ổn định lâu dài; đảm bảo yêu cầu luật là hành lang, nguyên lý cơ bản của sự vận động phát triển; luật không quy định, điều chỉnh quá chi tiết;…

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị, cần tổng kết, đánh giá thực trạng quy trình và kết quả thực hiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL hiện nay để nhận diện, làm rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả phải theo đúng tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quy định số 178-QĐ/TW và các văn kiện khác của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành từ đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng đến nay./.

Lê Anh