Hội đồng Dân tộc thảo luận dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề về chính sách, pháp luật về công tác cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023

06/10/2024

Tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 10, chiều 6/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Hội đồng Dân tộc thảo luận, cho ý kiến dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023”; nghe báo cáo tiến độ xây dựng Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10

Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm

Toàn cảnh Phiên họp

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ người DTTS bám sát chủ trương, chính sách của Đảng

Tại Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10, chiều 6/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số  giai đoạn 2016-2-2023”.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này khá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, phản ánh rõ nét tình hình công tác cán bộ DTTS ở các bộ, ngành và địa phương. Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người DTTS luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS được đào tạo cơ bản, tăng về số lượng và chất lượng theo hướng chuẩn hóa, qua đó góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry báo cáo kết quả giám sát chuyên đề

Các nhận định, đánh giá trong Báo cáo chi tiết, cụ thể, thể hiện nhiều vướng mắc, khó khăn cũng như đề xuất nhiều giải pháp trong công tác cán bộ đối với cán bộ DTTS&MN.

Các ý kiến nhận thấy, hiện chưa có các chính sách ưu đãi riêng, đặc thù cho CBCCVC người DTTS công tác hoặc được điều động đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (đang thực hiện theo quy định chung). Một số quy định về nâng cao tỷ lệ cán bộ người DTTS trong các văn bản chưa rõ ràng, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến mỗi nơi có cách hiểu, vận dụng khác nhau, thiếu cơ sở để kiểm tra, đánh giá, giám sát. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến nội dung này.

Một số chính sách ban hành chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như: Chính sách ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển, xét tuyển CCVC người DTTS; chính sách xét tuyển, bố trí việc làm cho người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS. Do đó, đề nghị cần làm rõ, bổ sung thêm các vấn đề này.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đề xuất các giải pháp căn cơ nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, các ý kiến đề nghị cần quan tâm đến 04 Nhóm giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về nhận thức; (2) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; (3) Nhóm giải pháp về nguồn lực; (4) Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện. Đáng chú ý, cần tăng cường giám sát chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người DTTS, nhất là trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm CBCCVC người DTTS, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CBCCVC người DTTS bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và quy định trong Luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ và khả thi, trong đó: Sớm nghiên cứu ban hành quy định về cơ chế đặc thù tuyển dụng, quản lý và sử dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; quy định cụ thể về trình tự thủ tục tuyển dụng, xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển và sinh viên người DTTS.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần ban hành chính sách riêng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách đãi ngộ để khuyến khích CBCCVC là người DTTS thuộc dân tộc rất ít người hoặc công tác ở vùng đặc biệt khó khăn tham gia học tập nâng cao trình độ; Rà soát, bổ sung thêm các chính sách ưu tiên đào tạo sau đại học, đào tạo tiếng dân tộc thiểu số, đào tạo ngoại ngữ đối với CCVC là người dân tộc thiểu số.

Hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 38

Cũng tại Phiên họp chiều nay, các đại biểu nghe Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành báo cáo tiến độ xây dựng Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc Lê Nhật Thành

Theo đó, ngày 08/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HĐGS đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Ngày 14/6/2024, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 1067/NQ-UBTVQH về thành lập Ban soạn thảo dự án Luật và giao Thường trực Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát.

Để có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Ban soạn thảo dự án Luật đã tổ chức khảo sát thực tế triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 tại 02 tỉnh Bình Định và Bà Rịa – Vũng Tàu; tổ chức 04 hội thảo để lấy ý kiến về dự án Luật trên phạm vi toàn quốc.

Qua các cuộc khảo sát, hội thảo và kết quả tổng hợp ý kiến tham gia bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức đối với dự án Luật cho thấy, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật; nhiều ý kiến đánh giá cao và nhất trí với đa số nội dung của dự án Luật; đồng thời, tham gia ý kiến cụ thể góp phần hoàn thiện nội dung dự án Luật.

Đến nay, đã có 13/13 cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội gửi văn bản tham gia ý kiến; 21/24 Bộ, ngành Trung ương gửi văn bản tham gia ý kiến; 59/63 Đoàn đại biểu Quốc hội, 48/63 HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi văn bản tham gia ý kiến. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Ban soạn thảo dự án Luật đã xây dựng văn bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các cơ quan và chỉnh lý dự án Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Phiên họp

Cùng với đó, dự án Luật cũng đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng khoa học thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gửi Hồ sơ dự án Luật đến Chính phủ để lấy ý kiến.

Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành cho biết, ngày 02/10/2024, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tham dự và báo cáo về Hồ sơ Luật tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật tại TP Huế. Hiện nay, Thường trực Hội đồng Dân tộc đang tập trung chuẩn bị nội dung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 38 vào ngày 07/10/2024.

Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đại biểu Lê Nhật Thành nêu rõ, dự thảo Luật bám sát vào 05 chính sách đã trình Quốc hội trong Hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật, trong đó sửa đổi, bổ sung 62/334 khoản của 40 điều, bổ sung mới 20 điều và bãi bỏ 01 khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan.

Về vấn đề còn ý kiến khác nhau, đại biểu Lê Nhật Thành cho biết, hiện Hồ sơ dự án Luật có 2 nội dung xin ý kiến là: về bổ sung nguyên tắc mới trong dự thảo Luật; về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri (Điều 30 và Điều 31).

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2-2023”

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu tại Phiên họp

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh tham gia đóng góp ý kiến

Đại biểu Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu tại Phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia đóng góp ý kiến

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Phiên họp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu kết luận nội dung thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức