Thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8

05/10/2024

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục tổ chức chiều 05/10, các đại biểu đã thẩm tra vào những nội dung trọng tâm của dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Mức giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản cần căn cứ vào giá thị trường trong khu vực hoặc quốc tế

Đề xuất làm rõ hơn quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản

Toàn cảnh Phiên họp

Chiều 05/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh và các thành viên của Ủy ban; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị hữu quan.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã thẩm tra dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ và 19 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản và cơ bản thống nhất với bố cục cùng nhiều nội dung của dự thảo Luật. Ngay sau Kỳ họp thứ 7, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Ngày 12/8/2024, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, chỉnh lý dự thảo Luật trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách ngày 28/8/2024 và tiếp thu ý kiến Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và đã gửi lấy ý kiến Chính phủ.

Quy hoạch khoáng sản vẫn đảm bảo triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 này, các đại biểu, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tập trung đóng góp vào thẩm tra các nội dung: Quy hoạch khoáng sản, phân nhóm khoáng sản, cấp phép khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản...

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH Tỉnh Bình Dương

Đối với quy hoạch khoáng sản, các đại biểu cho rằng, trong dự án Luật Địa chất và Khoáng sản cần có quy định đặc thù trong việc vừa quy hoạch khoáng sản nhưng vẫn bảo đảm cơ chế pháp lý để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện quy định sử dụng đất đa mục tiêu theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với quyền khai thác khoáng sản, các đại biểu khẳng định, khoáng sản là một loại tài sản đặc thù phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cùng một loại khoáng sản nhưng chất lượng khoáng sản khác nhau, quy mô khoáng sản khác nhau, điều kiện địa chất tại khu vực khai thác khoáng sản khác nhau. Điều kiện địa lý tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện xã hội ở từng khu vực khác nhau dẫn đến giá trị về quyền khai thác khoáng sản khác nhau. Do đó, căn cứ để đưa ra quy định chung về định giá giá trị quyền khai thác khoáng sản là hết sức phức tạp, không thể đúng với tất cả các trường hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Về phân nhóm khoáng sản, có ý kiến đề nghị cần phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay.

Trước những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm. Đồng thời Bộ trưởng cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu các nội dung, điều khoản một cách phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh

Phát biểu kết luận Phiên họp về nội dung thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoảng sản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp vào dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, dự án Luật đủ tiêu chuẩn, điều kiện để trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xét xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp để rà soát, hoàn thiện dự án Luật, gửi cơ quan thẩm tra xem xét lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu

Các đại biểu và đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kết luận Phiên họp toàn thể lần thứ 10./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác