Kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân

02/10/2024

Sáng 02/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh chủ trì Phiên họp.

Hội thảo lấy ý kiến với dự thảo luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Trình Quốc hội một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023

Đề cập về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 9 tháng năm 2024, công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo căn cứ pháp lý triển khai đầu tư công. Việc triển khai một số chính sách thí điểm được Quốc hội quyết nghị thông qua đã đi vào cuộc sống, từng bước phát huy hiệu quả.

Toàn cảnh Phiên họp

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công một cách quyết liệt, cụ thể, giải pháp được ban hành kịp thời, hiệu quả. Vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 được phân bổ bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng tiếp tục được đảm bảo. Kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công tiếp tục được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, chưa giải quyết được tính đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Công tác lập kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN hằng năm vẫn còn hạn chế, chưa sát với khả năng thực hiện.

Các khó khăn, vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đã được tập trung xử lý nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguồn thu ngân sách địa phương chưa được đảm bảo để bố trí cho chi đầu tư phát triển. Vẫn còn các khó khăn, vướng mắc trong lập, phân bổ kế hoạch và trong triển khai thực hiện dự án.

Phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2025 được giao

Đề cập về kế hoạch đầu tư công năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong năm 2025, Bộ chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng phân bổ vốn manh mún, dàn trải, kém hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả trong lập kế hoạch đầu tư công...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương 

Trong năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành. Phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, những hạn chế trong tổ chức thực hiện

Thay mặt cơ quan thẩm tra, đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh: Năm 2024, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều tác động từ các yếu tố trong nước và ngoài nước. Trên thế giới, tình hình xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, nhất là bão số 3, sạt lở ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh, sức khỏe, tính mạng, đời sống Nhân dân, gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến GRDP của nhiều địa phương... Đây là các yếu tố tác động không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2024.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách kịp thời của Quốc hội, sự điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2024 đạt được nhiều kết quả khả quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai 

Tuy nhiên, về căn cứ đánh giá, đề nghị Chính phủ bám sát hơn vào các Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán NSNN năm 2024 và Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 của Quốc hội để đánh giá và báo cáo. Theo đó, cần làm rõ những kết quả đạt được theo yêu cầu của Nghị quyết, phân tích rõ những tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ hoàn thành, chưa hoàn thành; làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, những hạn chế trong tổ chức thực hiện; chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm và đề xuất, kiến nghị cụ thể để hoàn thành các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 104 và Nghị quyết số 105.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ có đánh giá toàn diện tác động tiêu cực của bão số 3, hậu quả của sạt lở, lũ lụt... đến thu chi NSNN năm 2024, hệ luỵ cho năm tiếp theo, đặc biệt về những thiệt hại phát sinh để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2024.

Nâng cao trách nhiệm giải trình của các địa phương đối với hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay

Đề cập về một số giải pháp chủ yếu nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ NSNN năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai khẳng định: Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các giải pháp trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời, đề nghị cần cập nhật kịp thời, bám sát tình hình trong nước, thế giới và chú trọng một số nhiệm vụ:

Thứ nhất: Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán NSNN và chi chuyển nguồn sang năm sau. Thực hiện nghiêm quy định nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. Có giải pháp mạnh mẽ giao trách nhiệm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân.

Thứ hai: Đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước (bao gồm chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước và chi thường xuyên) đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu và khách mời tham dự Phiên họp

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách Trung ương chưa phân bổ cho các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 105/2023/QH15. Trường hợp không thực hiện hoặc không thể thực hiện trong những tháng cuối năm 2024, đề nghị hủy dự toán để giảm bội chi.

Thứ ba: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế, đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 23, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu, bảo đảm minh bạch, công bằng, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế.

Thứ tư: Tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; nâng cao trách nhiệm giải trình của các địa phương đối với hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Về dự toán NSNN năm 2025, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh: Năm 2025 dự kiến kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định. Tăng trưởng kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột tại nhiều quốc gia. Trong nước, nền kinh tế với độ mở lớn; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh... vẫn là những thách thức. Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch tài chính, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, việc xây dựng dự toán có ý nghĩa quan trọng trong việc dự kiến hoàn thành các mục tiêu đã được đưa ra tại Nghị quyết 23.

Về kế hoạch tài chính - NSNN trong 3 năm 2025-2027, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ các khoản còn dư địa thu, nâng cao chất lượng công tác dự báo để phấn đấu tăng thu năm 2024 ở mức cao nhất làm căn cứ xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 tích cực hơn. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm những năm gần đây, dự toán năm 2025 cần hạn chế thấp nhất các khoản chi không phân bổ ngay từ đầu năm, chậm phân bổ.

Về thu NSNN, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với kiến nghị trong năm 2025 hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách tác động làm giảm thu NSNN. Căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị, căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương, nhất trí với kiến nghị trong báo cáo về việc cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với kiến nghị trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp người có công. Đề nghị khẩn trương hoàn thành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27 để thực hiện thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, tại Phiên họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, trong đó có nhiều đánh giá xác đáng xuất phát từ thực tế địa phương, đòi hỏi của các ngành, lĩnh vực rất cần được tiếp thu, bổ sung vào các báo cáo liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, Tiểu ban Tổng hợp dự toán và Tiểu ban Đầu tư công giúp Thường trực Ủy ban tiếp thu các ý kiến góp ý trong Phiên họp để hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để tham mưu xây dựng các báo cáo chính thức của Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 38.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

 Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 25 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh và các Phó Chủ nhiệm Ủy ban

Các đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp

Các Bộ ngành tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan

Đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thành Trung

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng làm rõ những ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu ra tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác