Kết luận của UBTVQH về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8 và chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

23/09/2024

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8 và chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

UBTVQH cho ý kiến về Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Theo đó, chiều ngày 12/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và kết luận như sau:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV do Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị. Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện thủ tục để phát hành Báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan và cơ bản nhất trí với các nội dung về chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trong Báo cáo số 4244/BC-TTKQH ngày 11/9/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội. Về một số công việc cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau:

1. Về dự kiến nội dung Kỳ họp:

- Bổ sung các nội dung sau đây vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8:

(1) Xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn);

(2) Xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (theo quy trình tại 01 kỳ họp);

(3) Cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu;

(4) Xem xét, quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền;

(5) Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và một số nội dung khác nếu kịp chuẩn bị, bảo đảm chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

- Bổ sung để gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu Báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước đối với Báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

- Rút dự án Luật Chuyển đổi giới tính ra khỏi dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8. Giao Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính và báo cáo Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

- Đối với đề nghị bổ sung 03 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 theo Tờ trình số 405/TTr-CP ngày 04/9/2024 của Chính phủ [1] và Tờ trình số 173/TTr-VKSTC ngày 05/9/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao [2], đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 9/2024.

Trường hợp các dự án, dự thảo nêu trên được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định, chậm nhất là ngày 27/9/2024 phải gửi hồ sơ đến cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi hồ sơ đến các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp.

- Đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ka pét huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận theo Nghị quyết số 93/2019/QH14 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, đề nghị Chính phủ định kỳ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm (kỳ báo cáo tiếp theo là tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025)).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp.

2. Về dự kiến chương trình Kỳ họp:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến chương trình và cách thức tiến hành Kỳ họp thứ 8 theo hướng: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội; Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt, có thời gian Quốc hội nghỉ họp giữa 02 đợt để các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

- Giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉnh lý dự kiến Chương trình Kỳ họp theo hướng: (1) bảo đảm việc triển khai các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; (2) giảm thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội xuống 01 ngày; đồng thời, tăng thời gian thảo luận tại tổ về nội dung này từ 0,5 ngày lên 01 ngày; (3) Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn 02 ngày; (4) bố trí thảo luận dự án luật trình Quốc hội thông qua vào thời gian đầu Kỳ họp.

- Giao Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội chủ trì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội kiểm soát thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo theo đúng Chương trình Kỳ họp.

3. Về chuẩn bị Kỳ họp:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị các nội dung Kỳ họp; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu bảo đảm chất lượng, tiến độ gửi đến Văn phòng Quốc hội để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo thời hạn quy định. Các nội dung trình Quốc hội thông qua cần phải gửi hồ sơ tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước ngày 01/10/2024, trừ các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2024. Đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề cao trách nhiệm, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp.

 - Giao Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu đề xuất thời gian tổ chức Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 10/2024) sớm hơn thường lệ để các cơ quan có thời gian tiếp thu, hoàn thiện tài liệu, gửi đến đại biểu Quốc hội.

- Giao Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương chuẩn bị các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách để gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật tổng hợp, chuẩn bị văn bản báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về các dự án, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp. Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu, chuẩn bị văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp.

- Giao Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Văn phòng Ban Cán sự Đảng Chính phủ tham mưu tổ chức sớm cuộc họp liên tịch giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để trao đổi, thống nhất về chỉ đạo các công tác liên quan chuẩn bị cho Kỳ họp.

- Giao Ban Dân nguyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tăng cường rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp ngay tại cơ sở để hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp.

- Giao Văn phòng Quốc hội tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, bố trí ăn, ở cho đại biểu Quốc hội... để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp, không để xảy ra sự cố kỹ thuật.

4. Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, hoàn thiện dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cùng với văn bản triệu tập Kỳ họp; đồng thời, phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, trong đó, lưu ý thông tin sâu, cụ thể để đại biểu Quốc hội, cử tri hiểu rõ và đồng thuận với những nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định./.

 


[1] Bao gồm: (1) dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); (2) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; (3) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

[2] Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác