Xác định rõ nội hàm giám sát tối cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội

11/09/2024

Vừa qua, góp ý tại Phiên họp thứ 11 của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần xác định rõ nội hàm của giám sát tối cao và quy định cụ thể về các phương thức giám sát đảm bảo việc thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Phiên họp thứ 11 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐGS) được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung gồm 38 điều, bãi bỏ 04 điều, 02 khoản của Luật HĐGS hiện hành và bổ sung 20 điều luật mới. Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng bám sát vào 05 chính sách đã được Quốc hội thông qua trong Hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HĐGS.

Phiên họp thứ 11 của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là chức năng Hiến định được Hiến pháp năm 2013 quy định, cụ thể: Tại Điều 69 Hiến pháp 2013 “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”; Khoản 2 Điều 113 “Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết cảu Hội đồng nhân dân”.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã đưa ra các khái niệm về giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân,… Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi lần này, vẫn cần có sự điều chỉnh và làm rõ hơn nội hàm các khái niệm đặc biệt là khái niệm về giám sát tối cao.

 GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Góp ý vào nội dung này, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, khái niệm về giám sát tối cao, giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội là chưa rõ. Hiến pháp năm 2023 quy định Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, …  Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo GS. TS Trần Ngọc Đường, việc quy định phải đảm bảo tính hợp hiến; cần làm rõ giám sát việc tuân theo pháp luật với giám sát thi hành pháp luật và giám sát việc thực hiện cụ thể như thế nào? Đồng thời, cần có quan niệm thống nhất về quyền giám sát tối cao của Quốc hội để làm cơ sở cho việc xác định phạm vi và nội dung điều chỉnh.

Ngoài ra, GS. TS Trần Ngọc Đường cũng đề nghị, tại dự thảo luật cần có sự phân biệt rõ hình thức chất vấn và giải trình; quy định phải có sự khác biệt về mặt tiêu chí lựa chọn cũng như hậu quả pháp lý đối với từng hình thức;…

GS.TS. Hoàng Thế Liên, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cùng quan điểm, GS.TS. Hoàng Thế Liên, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên tập trung quy định về hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, xác định rõ nội hàm của giám sát tối cao. “Giám sát tối cao những vấn đề quốc gia đại sự ví dụ như xem xét tính hợp hiến, hợp pháp; giám sát của Quốc hội phải tập trung vào bảo đảm cho các cơ quan nhà nước thực hiện đúng phận sự trước Nhân dân; tránh lạm quyền;… “,GS.TS. Hoàng Thế Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, GS.TS. Hoàng Thế Liên cũng cho rằng, hoạt động giám sát tối cao còn thể hiện và bảo vệ thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp bởi đây là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội đã được hiến định. Do đó, để hoạt động giám sát đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và thực chất cần quy định cụ thể về các phương thức giám sát phù hợp.

Để hoàn thiện dự thảo, GS.TS. Hoàng Thế Liên lưu ý, khi Quốc hội thực hiện thẩm quyền giám sát tối cao, các cơ quan của Quốc hội cũng phải tham gia thực hiện vào quá trình này, do đó, không thể quy định tách bạch như cơ quan hành chính, có như vậy mới đề cao được vai trò giám sát tối cao của Quốc hội.

 PGS. TS Lê Minh Thông, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nêu quan điểm, PGS. TS Lê Minh Thông, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, giám sát của Quốc hội phải khác với giám sát của HĐND; tuy nhiên quy định trong dự thảo Luật chưa thể hiện sự khác biệt.

Đồng thời, khái niệm giám sát tối cao về phạm trù hiện chưa có nhận thức thống nhất dẫn đến mâu thuẫn. “Giám sát của Quốc hội, giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, giám sát của Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH xác định thứ bậc thế nào? Đâu là giám sát tối cao? Chưa định vị được nội hàm, giới hạn, phạm vi, nguyên tắc của từng chủ…”, PGS. TS Lê Minh Thông nêu vấn đề.

Do đó, rất cần có quan niệm thống nhất về quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Từ đó, phân biệt sự khác nhau giữa giám sát tối cao với các hoạt động điều tra, thanh tra, kiểm sát, xét xử, đồng thời chỉ rõ sự khác nhau giữa giám sát tối cao của Quốc hội với các hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh, việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là phương thức để thực hiện cơ chế “phân công, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tưu pháp ”, đo đó, cần phải làm rõ nhận thức thống nhất về quyền này ngay từ trong khái niệm.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HĐGS do Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì soạn thảo. Vừa qua, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tới đây, theo dự kiến Chương trình, dự án Luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37. Đây là dự án Luật có ý nghĩa quan trọng, góp phần thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về hoạt động của Quốc hội, HĐND; góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND ngày càng hiệu quả, thực chất hơn; đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu giám sát thực thi pháp luật trong bối cảnh mới./.

Lê Anh