Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số

10/09/2024

Chiều 10/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số”. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có: đại diện một số bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Nhấn mạnh đây là dự án luật mới, mang tính chuyên ngành sâu, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị các chuyên gia góp ý thẳng thắn, trực tiếp vào các vấn đề lớn về mặt chính sách, những nội dung trọng tâm quy định tại dự thảo cũng như tính thống nhất, đồng bộ của dự án luật trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến gồm 8 chương, 73 điều, quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: hoạt động công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số. Luật này không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

Nội dung dự thảo Luật tập trung quy định về: Phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm và dịch vụ công nghệ số; nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.

Tại hội thảo, các đại biểu tập cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số đồng thời, tập trung cho ý kiến về: Hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số; Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số; Khái niệm tài sản số; Tiêu chuẩn, kỹ thuật trong công nghiệp số;…

Theo các đại biểu, công nghiệp công nghệ số đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh. Do đó, Việt Nam cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn, kịp thời nắm bắt xu thế phát triển công nghệ; thu hút, đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu vào Việt Nam.

Cũng theo ý kiến đại biểu, Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng... Rà soát, hoàn thiện luật chuyên ngành về..., bưu chính, công nghệ thông tin, viễn thông và các luật có liên quan. Do đó, việc xây dựng luật cũng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay; quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đấy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Liên quan tới khái niệm trong dự thảo Luật, do đây là vấn đề mới, nội dung rất quan trọng để xác định nội hàm, phạm vi của Luật Công nghiệp công nghệ số, do đó các đại biểu đề nghị cần chú trọng giải thích từ ngữ, chuẩn hóa khái niệm về công nghiệp công nghệ số, công nghệ bán dẫn; đưa ra khái niệm chính xác về trí tuệ nhân tạo, tài sản số, tài sản mã hóa… Định nghĩa các từ, cụm từ được sử dụng trong Luật Công nghiệp công nghệ số phải đảm bảo cách hiểu thống nhất, xuyên suốt trong dự luật.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, trọng tài viên TT Trọng tài Quốc tế VIAC, nguyên Tổng cục phó Tổng cục thuế phát biểu tại hội thảo.

Về chính sách ưu đãi, cần quy định rõ các chính sách ưu đãi để kịp thời hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong đó, có quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với một số dự án có tính đặc thù; các ưu đãi về chính sách thuế;… Các chính sách ưu đãi phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, khả thi cho ngành công nghiệp công nghệ số, tránh trùng lắp.

Đối với cơ chế thử nghiệm, có ý kiến đề nghị cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương, các bộ ngành nhằm tăng cường tính chủ động và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế bảo vệ cơ quan, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến thử nghiệm khi thực đúng, đủ các quy định về thử nghiệm trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định 1 số nội dung tại dự thảo Luật liên quan tới: nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ tài chính; hạ tầng của công nghiệp công nghệ số;… Tiếp tục đánh giá tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật trong hệ thống pháp luật đặc biệt là mối quan hệ với Luật Dữ liệu; đơn giản hóa và hạn chế tối đa các thủ tục hành chính mới chỉ ban hành các thủ tục hành chính bắt buộc phải có để triển khai.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu kết thúc hội thảo.

Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều ý kiến góp ý phong phú, chuyên sâu và tương đối toàn diện vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, thông tin tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các vị đại biểu Quốc hội phục vụ thiết thực trong quá trình xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật.

***Một số hình ảnh tại hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số”

Bà Trần Hà Thu, Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự hội thảo.

 TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.

Ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

LS. Lê Quang Vinh - Công ty Luật BROSS & Partners

Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Tập đoàn GITS, dịch vụ và giải pháp CNTT

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu kết thúc hội thảo.

Lê Anh - Nghĩa Đức