BAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH TỔ CHỨC PHIÊN HỌP THỨ TƯ

16/08/2024

Chiều 16/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo, Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính tổ chức Phiên họp thứ tư để lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI NGHE BÁO CÁO TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính tổ chức Phiên họp thứ tư để lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Cùng dự phiên họp có Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu, cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; đại diện các Bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Báo cáo về những hoạt động trong thời gian qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, từ sau Phiên họp toàn thể lần thứ ba đến nay, Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng để hoàn thành quy trình, thủ tục xây dựng, soạn thảo dự án Luật. Trong đó, Ban soạn thảo đã gửi hồ sơ dự án Luật xin ý kiến Chính phủ; tiếp tục tổ chức một số tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan hữu quan, đối tượng chịu tác động của dự án luật… Ban soạn thảo cũng đã làm việc với một số bộ, ngành để xin ý kiến về các nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực những bộ này phụ trách, qua đó đã thống nhất được nhiều nội dung của dự thảo Luật, nhất là quy định về điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; thẩm quyền công nhận giới tính nam hoặc nữ cho người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Anh Trí cho biết, trong thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục làm việc với một số bộ ngành để xin ý kiến về quy định tuổi nghỉ hưu; Về quy định riêng với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; về sửa đổi quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; về quy định đặc thù đối với người chuyển đổi giới tính. Quyền được tạm giữ, tạm giam, giam giữ tại khu vực riêng của người chuyển đổi giới tính hay quyền của người đề nghị can thiệp y khoa, người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính và người chuyển đổi giới tính là: “Được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu có đề nghị”….

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về những vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau như: phương pháp thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; hội đồng can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; vấn đề ghi vào sổ hộ tịch cho người đã chuyển đổi giới tính thành công; thời điểm và mức độ hoàn thành việc can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; quyền của người đã thực hiện chuyển đổi giới tính; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên họp.

Các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ càng các luật liên quan, cân nhắc điều kiện thực hiện đối với một số quyền đặc thù đối với người đề nghị can thiệp y khoa, người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính và người đã chuyển đổi giới tính để bảo đảm tính khả thi cho dự án Luật, sự đồng bộ với các luật liên quan.

Một số ý kiến lưu ý, bên cạnh quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương như thể hiện tại dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần rà soát bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ thể liên quan, trong đó cân nhắc bổ sung trách nhiệm của gia đình người đề nghị can thiệp y khoa, người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính và người đã chuyển đổi giới tính. Lý do bởi, gia đình là đối tượng chịu tác động đầu tiên và có thể nói là nhiều nhất khi có một thành viên trong gia đình thực hiện chuyển đổi giới tính. Mặt khác, người có nguyện vọng thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính không thể đơn độc thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát các bộ luật, luật liên quan để sử dụng từ ngữ, khái niệm chính xác, phù hợp với Bộ luật Dân sự, các luật liên quan, nhất là trong những điều khoản quy định về điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính và một số quyền đặc thù của người chuyển đổi giới tính.

Phát biểu kết luận phiên họp, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Anh Trí khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu trong quá trình biên soạn, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện dự án Luật; giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên họp./.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính chủ trì phiên họp.

Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; đại diện các Bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội dự phiên họp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho ý kiến tại phiên họp.

Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế, Bộ Tư pháp.

Ông Trần Văn Thuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính kết luận phiên họp.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác