PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: TIẾP TỤC RÀ SOÁT CÁC QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG LIÊN QUAN ĐẾN TÀU BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI, PHƯƠNG TIỆN BAY SIÊU NHẸ

09/08/2024

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để chuyển nội dung quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ từ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sang dự án Luật Phòng không nhân dân; trong đó cần rà soát các quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ...

TỌA ĐÀM “HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ TÀU BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI, PHƯƠNG TIỆN BAY SIÊU NHẸ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN PHÒNG KHÔNG”

Quang cảnh Tọa đàm

Cần nghiên cứu thận trọng, kết hợp hài hòa lợi ích quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội

Tại Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không” do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức sáng 9/8, các đại biểu góp ý về khái niệm “tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ”; về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc chuyển nội dung này từ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sang Luật Phòng không nhân dân; quy định tại Điều 53 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến PKND”; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Đồng thời các ý kiến cũng tham gia góp ý về nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đăng ký, khai thác, sử dụng, đình chỉ chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; dự báo, thông báo, quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay; tiêu chí bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học dự Tọa đàm

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, đây là những nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thẩm quyền và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân; đòi hỏi cần có sự nghiên cứu chuyên sâu, thận trọng; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và có tính dự báo cáo trong xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự và trong cả lĩnh vực dân sự; bảo đảm an toàn hàng không; bảo đảm sự kết hợp hài hòa lợi ích quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm khả thi và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật Phòng không nhân dân đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đã có 79 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu, trong đó nội dung về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không là những nội dung quan trọng của dự án Luật này. Đồng thời đánh giá cao và ghi nhận công sức, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật này. Nhận thấy, dự thảo Luật qua rà soát còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo tham vấn để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.

“Ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm này có giá trị lý luận, thực tiễn và khoa học, cung cấp nhiều thông tin cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8/2024”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm

Phạm vi Tọa đàm xoay quanh phương tiện bay không người lái được quy định tại chương IV và các chương khác trong dự án Luật này. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ để tiếp tục cho ý kiến. Đồng thời lưu ý cần mời đầy đủ các thành viên Ban soạn thảo các cơ quan của Bộ Quốc phòng.

Thời gian tới đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Phiên họp tiếp thu, giải trình lần cuối trước khi báo cáo với UBTVQH và mời đầy đủ các thành phần, chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến để chỉnh lý dự án Luật.

Rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của dự án Luật

Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để chuyển nội dung quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ từ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và luật hóa một số Nghị định, nhất là Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ vào dự án Luật Phòng không nhân dân. Cần phân định cho rõ nội dung nào luật hóa được, tránh tình trạng “luật khung, luật ống” nhưng không cá biệt hóa các quy định vào dự án Luật. Cùng với đó, rà soát các quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của dự án Luật Phòng không nhân dân

“Thực tiễn sự phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh diễn ra rất mạnh mẽ, phương tiện bay không người lái sẽ được đầu tư tăng gấp 10 lần hoặc nhiều hơn thế trong thời gian tới, chủ yếu được sử dụng trong quân sự, an ninh, giao thông, nông nghiệp và nhiều ngành thương mại khác; đồng thời sẽ được cải tiến về trọng tải, cảm biến, điều khiển…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ phòng không không chỉ khi có xung đột xảy ra mà còn là nhiệm vụ phòng không trong thời bình nhằm chuẩn bị ngăn ngừa, phòng tránh đánh trả, khắc phục hậu quả để bảo vệ vùng trời, bảo vệ cuộc sống lao động, hòa bình của Nhân dân.

“Vì tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thể tấn công bất cứ đâu, bất cứ lúc nào; phương tiện dân sự này được cải hóa, được giao nhiệm vụ và được sử dụng cho mục đích quân sự cả trong và ngoài lãnh thổ; cạnh tranh trong kinh doanh. Vì vậy cần củng cố cơ sở thực tiễn để giải trình với ĐBQH một cách thuyết phục”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Về khái niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần bàn bạc kỹ để lựa chọn phương án tối ưu, cần giải trình, làm rõ lựa chọn “tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ” hay “phương tiện bay không người lái và phương tiện khác”; làm rõ khái niệm “chế áp”. Phó Chủ tịch Quốc hội   lưu ý cần rà soát các khái niệm để thống nhất, sử dụng nhiều lần trong luật.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự Tọa đàm

Về tên chương “quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ”, các ý kiến góp ý về việc sử dụng từ “quản lý” hay “phòng chống”. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu nội dung này hết sức thấu đáo, nhất là rà soát các Điều 28,29, 30 cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời đề nghị nên giao Chính phủ quy định chi tiết (vì đây là lĩnh vực mới, đặc thù, chưa có cơ sở thực tiễn đầy đủ).

Liên quan vấn đề cấp phép, đình chỉ chuyến bay, dự báo, thông báo hoạt động bay được quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần xem xét kỹ 4 Điều này để quy định trong Luật, đặc biệt cần lưu ý điều kiện khai thác bay và thẩm quyền cấp phép tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, trong đó nên giao Chính phủ quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rà soát các hành vi bị nghiêm cấm để đưa ra hệ thống các điều cấm hợp lý; rà soát các chương, điều đang còn trùng lặp (như Chương 4, Chương 7 và Điều 42…); rà soát các hệ thống chính sách trong luật (nội dung nào được luật hóa, nội dung nào chưa quy định trong luật...) nhằm tránh việc lách luật, giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nhận thấy hiện chưa có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí cho phương tiện bay không người lái, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là vướng mắc đang gặp phải và điều này sẽ rất khó cho việc quản lý nhà nước, trong khi vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học, Công nghệ. Do đó, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần rà soát các quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ

Trung tướng Nguyễn Văn Thân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đóng góp ý kiến tại Tọa đàm

Trung tướng Hoàng Châu Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường phát biểu tại Tọa đàm

Thiếu tướng Lê Kỳ Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự

Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng - Giảng viên cao cấp Học viện Kỹ thuật quân sự

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải

Ông Lê Thiên Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty MAJ Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp thu tối đa ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, tiếp tục rà soát, chính lý các nội dung để hoàn thiện dự án Luật Phòng không nhân dân

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác