ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ BỘ, NGÀNH

22/07/2024

Ngày 22/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” làm việc với 04 Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ TỌA ĐÀM GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Toàn cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát.

Về phía các bộ, ngành có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư pháp.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết số 95/2023/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, thời gian qua, Đoàn giám sát đã tổ chức các Đoàn công tác làm việc với 12 địa phương và tổ chức tọa đàm về nội dung này.

Theo chương trình, ngày 22/7 Đoàn giám sát làm việc với 04 Bộ liên quan trực tiếp đến nội dung giám sát, nhằm nghe báo cáo của các bộ đánh giá về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, đánh giá khách quan, toàn diện, từ đó xác định những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm trong quá trình thực hiện; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát 

“Kết quả buổi làm việc này rất quan trọng, cung cấp thêm cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn giúp Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo giám sát, xây dựng dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, phục vụ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8/2022 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, trước khi tiến hành thảo luận, Đoàn giám sát đã nghe đại diện lãnh đạo các Bộ trình bày báo cáo tóm tắt việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh. Công tác quản lý thị trường bất động sản đã được các cấp, các ngành triển đồng bộ và khá toàn diện, nhờ đó đã kiểm soát thị trường bất động sản, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm nhà ở chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp, thiếu sản phẩm bất động sản là nhà ở giá phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân; giá giao dịch bất động sản có xu hướng tăng dần theo năm, cao so với thu nhập bình quân của số đông người dân…

Đối với phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2015 – 2023, mặc dù điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, song việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 567.042 căn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các Bộ, các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa có quy trình thống nhất, nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài; các ưu đãi với xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ sức khuyến khích việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của các thành phần kinh tế; thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội qua nhiều khâu xác minh, thẩm duyệt, gặp nhiều vướng mắc, thời gian thẩm định kéo dài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày báo cáo

Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ, qua quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ là các dự án lớn, nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, thời gian để các Bộ quản lý ngành, UBND các địa phương có ý kiến thẩm định về dự án thường dài; không đảm bảo thời gian thực hiện thủ tục hành chính theo quy định.

Các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đang trong quá trình xây dựng, nên việc thẩm định sự phù hợp của dự án với quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn qua còn khó khăn nên số vốn bố trí để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội còn hạn hẹp. Việc thu hút tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn do các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa đủ hấp dẫn đối với đối tượng này.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, những năm qua, Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan được ban hành đã làm thay đổi căn bản thị trường bất động sản nói chung, thị trường quyền sử dụng đất nói riêng; đã tạo lập được cơ chế thị trường bất động sản hoạt động và phát triển tương đối nhanh, đồng bộ.

Việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đồng bộ với các luật liên quan sẽ giúp tạo hành lang pháp lý đủ rõ ràng, minh bạch, khơi thông pháp lý của các dự án trên thị trường. Nhờ vậy, nguồn cung bất động sản sẽ dồi dào, giá bất động sản sẽ ổn định, chấm dứt hiện tượng bong bóng, sốt giá.

Đại biểu tham dự buổi làm việc

Tuy nhiên, việc ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản còn tình trạng chưa thống nhất, chưa đồng bộ về phạm vi điều chỉnh và nội dung. Tại một số địa phương, việc quy hoạch sử dụng đất còn mang tính tổng hợp diện tích theo dự án, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất; tiếp cận về không gian còn hạn chế nên chưa linh hoạt khi có phát sinh các dự án mới. Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn so với giá thị trường. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho dự án nhà ở còn vướng mắc. Việc thực hiện các đề án của Chính phủ về nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp còn hạn chế…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cũng cho biết, Bộ Tư pháp đã thực hiện công tác góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan; xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; tổng hợp, đánh giá việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội…

Thảo luận tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của 04 Bộ cơ bản bám sát đề cương do Đoàn giám sát đặt ra; có phân tích, số liệu thống kê tương đối đầy đủ, chi tiết. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, 04 Bộ đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng các văn bản liên quan đến thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội và chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2015.  

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam phát biểu

Để có thêm thông tin cho Đoàn giám sát, có ý kiến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung thông tin đánh giá về công tác phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính trong việc theo dõi, hướng dẫn việc sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất phục vụ cho các địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đánh giá rõ hơn về công tác phối hợp với các bộ liên quan trong việc chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; đánh giá hiệu quả việc bố trí đất ở trong dự án nhà ở thương mại của các chủ đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị theo yêu cầu của pháp luật về nhà ở. Bộ Tư pháp làm rõ hơn các thông tin, số liệu về hoạt động kiểm tra, rà soát, xử lý các văn bản pháp luật, công tác rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thành viên Đoàn giám sát cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc ghi nhận được trong quá trình khảo sát tại các địa phương; đồng thời đặt câu hỏi đề nghị đại diện lãnh đạo các bộ theo chức năng quản lý làm rõ các nội dung liên quan đến: chủ trương đầu tư căn hộ Condotel; vướng mắc về chuyển nhượng các dư án bất động sản; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện định giá đất; công tác quản lý sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản; chênh lệch giá nhà ở với thu nhập của người dân; tính đồng bộ của quy hoạch bất động sản và các quy hoạch liên quan; các chính sách phát triển nhà ở xã hội; triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Những nội dung thành viên Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đặt ra sẽ được đại diện lãnh đạo 04 Bộ trả lời, cung cấp thêm thông tin trong buổi làm việc chiều 22/7.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh Đoàn chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” làm việc với 04 Bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi làm việc

Đại biểu tham dự buổi làm việc

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát gợi ý nội dung thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luân

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày báo cáo

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trình bày báo cáo

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, thành viên Đoàn giám sát phát biểu

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Thanh Hoàn phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Lan Hương - Phạm Thắng