ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UNICEF VỀ CÁC ƯU TIÊN XÂY DỰNG LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN TRẺ EM
PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC TẠ VĂN HẠ: BẢO VỆ THANH THIẾU NIÊN TRƯỚC THUỐC LÁ THẾ HỆ MỚI
PHÁT HUY HIỆU QUẢ VAI TRÒ CỦA THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TRONG XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở CƠ SỞ
Các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động giúp trẻ nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, trí tuệ, vốn hiểu biết xã hội
Tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ em
Hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của con người, đặc biệt là trẻ em. Sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần tốt là tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cũng là một trong những nhóm quyền cơ bản của trẻ em đã được quy định trong trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 và có hiệu lực vào năm 1990.
Do vậy, các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí dành cho trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí phù hợp với từng độ tuổi của trẻ em, tăng cường khả năng nâng cao sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, trí tuệ và vốn xã hội của trẻ em, góp phần phát triển trẻ em toàn diện.
Tại Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp tổ chức, vấn đề phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ em cũng là nội dung được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm.
Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Hải Hữu
Theo nguyên Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Hải Hữu, các thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ em còn là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quyền của trẻ em, là cộng cụ xậy dựng cộng đồng an toàn, thân thiện, phù hợp với trẻ em; phản ánh diện mạo văn hóa của trẻ em, của cộng đồng, quốc gia, chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung, cũng như tài nghệ sáng tạo của chủ thể văn hóa là trẻ em.
Thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em không chỉ là nơi trẻ em hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí mà còn là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa, thể thao; nơi trẻ em thể hiện tài nghệ trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Chính sức hấp dẫn của thiết chế văn hóa, thể thao đã huy động được sự tham gia ửng hộ tích cực của trẻ em, xây dựng tinh thần đoàn kết cộng động giúp trẻ em thêm yêu quý và gắn bó với quê hương, bản làng...
Nhiều thiết chế đã cũ, hoạt động kém đa dạng
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đời sống văn hóa của nhân dân nói chung, trẻ em nói riêng không ngừng được nâng cao, hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, cũng như so với nhịp độ phát triển của các lĩnh vực khác thì việc đầu tư cho văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng. Theo thống kê, cả nước hiện có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, đạt tỷ lệ 77,4%; 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 76,3%. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa này phải dành 30% thời lượng hoạt động cho trẻ em.
Nhìn riêng hệ thống thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi do Trung ương Đoàn quản lý, hiện 66 đơn vị cấp tỉnh có 3 Cung, 21 Nhà thiếu nhi, 42 Cung thanh thiếu nhi, Nhà văn hóa thanh thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa, thể thao, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên; 105 đơn vị cấp huyện có 96 Nhà thiếu nhi, 9 Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, thực tế việc sử dụng và quản lý các thiết chế này đang bộc lộ không ít những hạn chế. Nhiều thiết chế đã xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ, không bảo đảm an toàn cho thanh thiếu nhi khi sử dụng, cá biệt một số thiết bị cũ còn gây ra những tai nạn thương tích cho thanh thiếu nhi. Các thiết chế thể thao thường tập trung vào một số môn nhất định, dẫn đến thiếu đa dạng trong hoạt động. Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam được đầu tư xây dựng mới nhưng địa điểm nằm trong khu vực đô thị nên còn hạn chế về quỹ đất, không gian trưng bày và quảng bá triển lãm…
Cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ em
Theo nguyên Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Hải Hữu, hiện còn đang thiếu khung pháp lý toàn diện về thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Khung pháp lý về thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em hiện nay mới quy định được các thiết chế văn hóa dành riêng cho trẻ em, tập trung ở hệ thống thiết chế văn hóa do trung ương đoàn thanh niên quản lý; chưa có quy định cụ thể cho việc trẻ em được thu hưởng hay sử dụng các thiết chế văn hóa chung của cộng đồng ở tất cả các cấp. Bên cạnh đó nhận thức, tư duy về thiết chế văn hóa, thể thao nói chung còn bó hẹp ở khía cạnh tham gia hoạt động văn hóa, thể thao của trẻ em mà chưa chú trọng đến khía cạnh thu hưởng văn hóa, thể thao của trẻ em.
Có thể thấy, nhiều thiết chế văn hóa dành cho trẻ em nói riêng, thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng nói chung được xây dựng từ lâu, việc cải tạo, sửa chữa chưa thực sự khắc phục được hoàn toàn các hạn chế của công trình, nên đơn vị gặp khó khăn trong công tác khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động… Công tác quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế cũng còn thiếu chủ động, sáng tạo. Nội dung và hình thức hoạt động chưa phong phú, hấp dẫn, hiệu quả hoạt động chưa đồng đều, một số nơi chưa phát huy tốt, thậm trí còn có một số địa phương sử dụng chưa đúng mục đích cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở nói chung và cơ sở văn hóa, thể thao dành cho trẻ em nói riêng, nhiều khu vui chơi giải trí của trẻ em biến thành chợ hoặc phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh khác...
Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa đoàn, hội, trong đó có các thiết chế dành cho thiếu nhi, tuy nhiên, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết cho biết, hiện nay do nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, các thiết chế văn hóa của tổ chức Đoàn gặp khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu. Ngoài ra, việc chuyển đổi, sáp nhập Cung thiếu nhi, Nhà thiếu nhi, cùng với việc chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cho hệ thống Nhà thiếu nhi ở các địa phương dẫn đến hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao chưa hiệu quả.
“Thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phục vụ đời sống văn hóa, thể thao của thanh thiếu nhi ở cơ sở. Đây cũng là “sợi chỉ đỏ” của công tác đoàn kết, tập hợp, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu nhi; là môi trường thuận lợi để thanh thiếu nhi thể hiện khả năng, phát triển năng khiếu, hoàn thiện nhân cách. Do vậy, làm thế nào để các thiết chế cho thanh thiếu nhi vừa tạo sự hấp dẫn, vừa góp phần giáo dục trẻ là vấn đề quan trọng cần đặt ra.”, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết, trong bối cảnh hiện nay, cần hết sức cân nhắc việc sáp nhập các đơn vị trung tâm cấp huyện, trong đó có các thiết chế văn hóa cho trẻ em. Các thiết chế văn hóa này cần được ứng xử như một thiết chế đặc biệt. Bởi lẽ, với thiếu nhi do đặc thù lứa tuổi, sở thích, tâm sinh lý, dễ bị ảnh hưởng khi các trung tâm thiếu nhi phải sáp nhập với thiết chế khác. Trong khi đó, việc phát triển thêm thiết chế mới, cần cơ chế phối hợp, đa dạng hóa loại hình, thích hợp với từng vùng miền. Trẻ em ở nông thôn cần địa điểm phát triển kỹ năng, phong trào. Còn thiết chế ở thành thị dù đã có nhưng đang bị cạnh tranh bởi các thiết chế văn hóa có nội dung nước ngoài.
Dù ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi, trẻ em vẫn luôn mong muốn có một sân chơi, hoạt động thường xuyên giúp các em phát triển tinh thần, thể chất. Theo các chuyên gia, để làm được điều đó, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, cần đến sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng với những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết, công tác xã hội hóa là giải pháp đặc biệt hiệu quả nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Khi thực hiện tốt phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thông qua việc cung cấp các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú và hấp dẫn tại các thiết chế văn hóa, thể thao sẽ khuyến khích phát triển kỹ năng, thể chất, sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư phát triển hệ thống thiết chế này hơn nữa trong thời gian tới nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ em
Còn theo nguyên Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Hải Hữu, giải pháp cần làm trong thời gian tới là phải nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy để hoàn thiện khung pháp lý về thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em. Đó là các quy định cụ thể về cơ chế, cách thức để trẻ em tiếp cận thu hưởng các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao hoặc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, học tập. Thông qua đó, quy hoạch, quan tâm xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng hoặc thụ hưởng văn hóa đa dạng của trẻ em.
Đồng thời, cần có giải pháp huy động nguồn lực đầu tư các công trình văn hóa, thể thao dành cho trẻ em. Theo đó, nghiên cứu các chính sách ưu tiên đầu tư chi cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở, đảm bảo đạt tiêu chuẩn, trong đó có thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em. Khuyến khích tư nhân hoặc các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao dành cho trẻ em.
Cùng với đó, cấp cơ sở và thôn bản cũng cần chủ động huy động các nguồn lực của địa phương (nhân lực, tài chính, nguồn lực tự nhiên…) để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao vui chơi giải trí cho trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế, công trình văn hóa, thể thao dành cho trẻ em. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu của trẻ em. Đi sâu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm trẻ em dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng trẻ em đặc thù (khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số ít người ); xây dựng, phát triển hệ thống các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở dành cho trẻ em…/.