HỘI THẢO THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KỸ THUẬT TIÊU CHUẨN QUỐC GIA – NHỮNG TỒN TẠI, BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU MỚI CỦA THỰC TIỄN
Chiều 09/7, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia – những tồn tại, bất cập và kiến nghị”. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có đại diện các Vụ, đơn vị của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; các Trưởng Ban, thành viên các Ban Tiêu chuẩn Quốc gia; các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các Hội, hiệp hội trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, chất lượng.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo chương trình xây dựng Luật pháp lệnh, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9. Đây là dự án Luật được nhiều ĐBQH cũng như cử tri cả nước quan tâm.
Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì thẩm tra dự án luật này. Mặc dù hiện nay Chính phủ chưa trình chính thức hồ sơ dự án luật nhưng với cách thức từ sớm, từ xa, tránh bị động, đảm bảo dự án luật có chất lượng, Thường trực Ủy ban đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thẩm tra.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, hiện có hơn 147 Ban Kỹ thuật, 54 Tiểu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia với hơn 1.100 chuyên gia tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong 83 lĩnh vực và tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực, đóng góp một phần không nhỏ vào hoạt động phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của 20 Ban kỹ thuật và Tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC, tham gia với tư cách thành viên quan sát đối với 62 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO, 541 tiểu ban kỹ thuật, 2.188 nhóm công tác và 38 nhóm nghiên cứu đặc biệt của tổ chức ISO.
Các thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tham gia góp ý 3.201 dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC từ năm 2012 đến 2023 (trong đó, 2.010 dự thảo của ISO và 1.191 dự thảo của IEC) và góp ý nhiều tiêu chuẩn, tài liệu của Ủy ban An toàn thực phẩm quốc tế CODEX... góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong các Diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, thời gian qua, hoạt động Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia chưa được quan tâm đúng mức, vai trò của Ban Kỹ thuật chưa được nhìn nhận đúng đắn, chưa có cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động của Ban Kỹ thuật, chưa có nguồn kinh phí để tăng cường năng lực của các Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để đưa các thành viên Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia tham gia các cuộc họp tại Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, Hội thảo chính là cơ hội để các chuyên gia, các đại biểu có ý kiến để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu xem xét bổ sung, chỉnh lý dự thảo luật cho phù hợp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: Tiêu chuẩn chính là yếu tố để hợp lý hóa sản xuất; thuận lợi hóa giao dịch, là yếu tố sáng tạo và phát triển sản phẩm, yếu tố chuyển giao công nghệ mới và là yếu tố quyết định chiến lược. Tiêu chuẩn thường được sử dụng làm những điều khoản được chấp nhận chung khi xác lập các quan hệ giao dịch giữa các đối tác. Đặc biệt, khi có tranh chấp, tiêu chuẩn chính là cơ sở kỹ thuật cho việc thảo luận, giải quyết và tài phán. Chính vì vậy, để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cần một lực lượng chuyên gia tham gia có năng lực về trình độ chuyên môn kỹ thuật, có sự am hiểu về trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là với xu hướng hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế và tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế thì đội ngũ chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn lại càng cần phải đảm bảo các kỹ năng cần thiết.
Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các tiêu chuẩn; xác định rõ trách nhiệm của các Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào 4 vấn đề: Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, tổ chức hoạt động của Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia auy định trong Luật hiện hành (Điều 16); Nguyên tắc, mô hình của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đối với các thành viên; Nguồn kinh phí hoạt động Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; Nâng cao năng lực cho thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
TS.Nguyễn Quyết Thắng- Thành viên Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 11 Nồi hơi và bình chịu áp lực đóng góp ý kiến
TS.Nguyễn Quyết Thắng- Thành viên Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 11 Nồi hơi và bình chịu áp lực nêu quan điểm: Cần nâng cao hơn nữa vai trò của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia trong công tác tư vấn xây dựng tiêu chuẩn quốc gia do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện. Việc các Bộ ngành tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia là rất phù hợp vì đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của từng ngành, đồng thời huy động được nguồn lực của các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Quyết Thắng, nghiệp vụ xây dựng tiêu chuẩn của các Ban soạn thảo ở một số cơ quan còn chưa đồng đều, dẫn đến chất lượng các dự thảo nhiều khi chưa được đảm bảo, cần chỉnh sửa nhiều trong giai đoạn thẩm định. Vì vậy, cần có các quy định cụ thể để các thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn ngay từ giai đoạn biên soạn để hỗ trợ các ban soạn thảo giảm thiểu những sai sót nghiệp vụ, giúp việc xây dựng tiêu chuẩn được thuận lợi hơn.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
Nhằm nâng cao hoạt động Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, TS. Nguyễn Ngọc Chương - Trưởng ban TCVN/TC 10 Bản vẽ kỹ thuật cho rằng, Bộ KH&CN có thể dành thêm ngân sách và các nguồn lực đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các tiêu chuẩn. Tạo thêm điều kiện làm việc và xác định rõ trách nhiệm của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra, cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để bổ sung và khuyến khích các chuyên gia từ nhiều tổ chức, đơn vị tham gia Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Thường trực Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, Tiểu ban Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo. Cách thức tổ chức Hội thảo rất sáng tạo, hiệu quả và mang lại nhiều thông tin bổ ích. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng bày tỏ cảm ơn sự tham gia đông đủ của các chuyên gia, giáo sư, nhà khoa học đã dành thời gian hoạt động này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo
Thường trực Ủy ban đánh giá cao các ý kiến tham gia của thành viên. Các ý kiến đều rất cụ thể, sâu sắc và toàn diện. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, Tiểu ban chủ trì thẩm tra nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu để thể chế hóa tối đa các ý kiến trong các quy định của dự án Luật. Đồng thời, kết quả của Hội thảo này giúp cho Thường trực Ủy ban có cơ sở đưa ra các nhận định trong báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia - những tồn tại, bất cập và kiến nghị”
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Phan Thiết - Trưởng Ban kỹ thuật TCVN/TC89 ván gỗ nhân tạo - Trường Đại học Lâm nghiệp nêu quan điểm tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hữu Trường - Thành viên Ban Kỹ thuật TCVN/TC17 Thép
PGS.TS Lê Đức - Trưởng Ban Kỹ thuật TCVN/TC 190 chất lượng đất - Trường Đại học Khoa học tự nhiên bày tỏ ý kiến
TS. Nguyễn Quyết Thắng - Thành viên Ban TCVN/TC 11 Nồi hơi và thiết bị chịu áp lực
TS Đào Sỹ Sành - Trưởng Ban TCVN/TC6 Giấy và sản phẩm giấy, Nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo phát biểu
GS. TS Phan Trung Nghĩa - Trưởng Ban kỹ thuật TCVN/TC45 cao su và sản phẩm cao su - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
GS.TS Đinh Văn Chiến - Trưởng Ban TCVN/TC 29 Dụng cụ cầm tay đưa ra quan điểm tại Hội thảo
Kỹ sư Thái Minh Sơn - Trưởng Ban Kỹ thuật TCVN/TC 146 Chất lượng không khí Hội Môi trường đô thị, Trường Đại học Xây dựng
PGS. TS Nguyễn Xuân Tiên - Trưởng Tiểu Ban KT E1/SC5 Hội Lạnh và điều hòa không khí
TS.Nguyễn Đình Quang - Trưởng Ban KT TCVN/TC/E13, Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ
GS.TS Phạm Văn Hùng - Nguyên Viện trưởng Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo, Tiểu ban chủ trì thẩm tra nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu để thể chế hóa tối đa các ý kiến trong các quy định của dự án Luật Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia./.