NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRƯỚC THÁCH THỨC GIÀ HÓA DÂN SỐ

05/07/2024

Xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức mới trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Đề cập đến vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục quan tâm đến việc phân tách giới khi già hóa dân số và có những biện pháp cụ thể để đảm bảo bình đẳng giới cho người cao tuổi trong thời gian tới.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, THAY ĐỔI THÁI ĐỘ, HÀNH ĐỘNG VỀ THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI

Vẫn còn nhiều thách thức đối với bình đẳng giới

Chỉ ra hiện trạng của dân số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, nước ta đang nằm trong top các nước dân số già hóa nhanh. Mặc dù chúng ta đang ở giai đoạn tỷ lệ dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa dân số trong thời gian tới là rất lớn, trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay cũng chưa giảm, thậm chí còn tăng. Đại biểu cho rằng, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng về bình đẳng giới, gây ra ảnh hưởng đến lâu dài trong các thế hệ tương lai của chúng ta.

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Qua tiếp xúc với cử tri ở địa phương, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đại biểu cho biết, nhận thức cần phải cần có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại nhiều. Việc mất cân bằng về giới tính, lựa chọn giới tính trong quá trình mang thai cần phải đề cập tới trong các báo cáo, vấn đề này cũng liên quan đến cơ cấu lao động của chúng ta trong tương lai. Năng suất lao động trong tương lai phụ thuộc vào cơ cấu lao động, mà tỷ lệ cân bằng giới tính này chênh lệch thì sẽ khó đáp ứng được nhiều vấn đề trong xã hội giai đoạn tới.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định chỉ ra rằng, hiện nay có một số thách thức đối với bình đẳng giới, đó là khoảng cách giới khi già hóa dân số, khoảng cách giới về thu nhập và việc làm trong thời đại công nghiệp số, khoảng cách giới do biến đổi khí hậu. Theo đó, biến đổi khí hậu sẽ tác động đến bình đẳng giới, làm cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em, những người yếu thế, những người hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu chỉ rõ, báo cáo bình đẳng giới của Chính phủ đã nhận diện ra những vấn đề này, nhưng chưa đưa ra cách thức tiếp cận, giải pháp ứng phó, chưa giao nhiệm vụ cụ thể cũng như định hướng phối hợp công tác cho các bộ, ngành liên quan để vượt qua những thách thức này. Trong khi đó, mục tiêu chúng ta đến năm 2030 còn rất nhiều khó khăn, thách thức để có thể đạt được. Do đó, đại biểu đề nghị nếu Chính phủ đã đưa vào nhận diện thì phải có đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định rõ cách thức giải quyết để đảm bảo kế hoạch, chương trình được thực hiện hiệu quả.

Băn khoăn về những khó khăn và thách thức trong thời gian tới đối với vấn đề bình đẳng giới, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, một trong những thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới là khoảng cách giới. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc cho người cao tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Có rất nhiều đại biểu cũng băn khoăn vấn đề bình đẳng giới với nhiều ý kiến cho rằng, phụ nữ đã có nhiều ưu tiên, lại có tuổi thọ trung bình cao hơn so với nam giới, nếu sống thọ hơn nam giới mà có sức khỏe tốt hơn, không phải đối mặt với cả nhiều bệnh tật, có cả nguồn lương, thu nhập ổn định khi nghỉ hưu thì đấy là một niềm hạnh phúc.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Tuy nhiên, thực tế số liệu ở Việt Nam cho thấy rằng điều này còn tồn tại nhiều khó khăn vì người cao tuổi Việt Nam đối diện với rất nhiều các loại bệnh tật, cụ thể, nam giới thường đối diện với 8 loại bệnh tật, còn phụ nữ cao tuổi thường đối diện với 11 loại bệnh tật. Trong khi đó phụ nữ lại thường đảm nhiệm những công việc chăm sóc cho những người cao tuổi khác, chăm sóc cho các thành viên khác trong gia đình. Và khi mà những thành viên trong gia đình cũng còn đối diện với vấn đề sức khỏe, còn đối diện những bệnh cấp tính cũng như những bệnh mãn tính, thì vô hình chung đó lại là một gánh nặng hơn nữa đối với người cao tuổi nói chung và đặc biệt là đối với người cao tuổi là phụ nữ nói riêng. Do đó, trong thời gian tới Chính phủ phải quan tâm và có giải pháp đối với vấn đề này.

Quan tâm đến quyền lợi của người cao tuổi

Bàn về vấn đề này, đại biểu Lò Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số và khoảng cách giới. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sẽ sớm quan tâm đến quyền của người cao tuổi, nhóm này là nhóm dễ bị tổn thương, số lượng và tỷ lệ ngày càng tăng cao. Nhà nước cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và có hướng dẫn cụ thể để người cao tuổi học tập, nghiên cứu, làm việc phù hợp với độ tuổi của mình, có thể tự đảm bảo thu nhập, không phải phụ thuộc vào gia đình hay người khác và cũng không bị phân biệt đối xử. Họ có thể sống độc lập và phát huy kinh nghiệm của mình trong thực tế.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang 

Đồng thời, đại biểu đề nghị tiếp tục quan tâm đến việc phân tách giới khi già hóa dân số và có các biện pháp để thực hiện bình đẳng giới trong cuộc sống cho người cao tuổi trong thời gian tới.

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia già hóa rất nhanh và tuổi thọ trung bình của nữ giới luôn cao hơn nam giới khoảng 4-5 tuổi. Theo đại biểu, người già đã sẵn có những khó khăn, bất lợi về sức khỏe, nhưng tuổi già của giới nữ còn có những khó khăn hơn. Do đó, việc nghiên cứu các chính sách bình đẳng giới liên quan tới những người cao tuổi là một vấn đề hết sức cần thiết. Theo thống kê, hiện nay tuổi thọ trung bình của nữ giới là gần 77, nam giới là 74,3. Đại đa số các cụ trên 100 tuổi là nữ, nói trên trăm tuổi là niềm tự hào gia đình nhưng cũng gắn liền với những khó khăn. Vì vậy, các chính sách để chăm sóc những người cao tuổi, trong đó thể hiện bình đẳng giới phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Từ những thực tiễn về bình đẳng giới nêu trên, đại biểu kiến nghị 2 nội dung:

Thứ nhất, lĩnh vực chính trị bình đẳng giới cần tiếp tục có những giải pháp được thực thi quyết liệt hơn. Đảng ta xác định cán bộ là vấn đề then chốt của vấn đề then chốt. Ví dụ cấp ủy, chính quyền có chủ chốt là nữ, cơ quan quản lý nhà nước có nữ thì sự quan tâm tới nữ, nhất là về cán bộ nữ sẽ tốt hơn. Do đó, thực hiện các nghị quyết đã được ban hành thì cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện một cách nghiêm túc, phải có kiểm điểm, đánh giá làm tốt về vấn đề này. Nên chăng cần phải có quy định cứng về cán bộ nữ chủ chốt. Bởi vì nhiều phụ nữ có ý thức phấn đấu vươn lên nhưng cũng gặp khó khăn vì chức năng phụ nữ rất vất vả.

Thứ hai, giải quyết tận gốc vấn đề bình đẳng giới phải bắt đầu từ giáo dục. Nếu các cháu, các em cứ bỏ học giữa chừng, bị các phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng thì sẽ khó có tư tưởng bình đẳng giới. Và để bắt đầu từ giáo dục và có giáo dục chất lượng thì cần phải có các chính sách ưu tiên thêm, đặc biệt là những vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Hồ Hương