GS.TS. TỪ THỊ LOAN: CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN, CĂN CỐT ĐỂ HỆ THỐNG NHÀ HÁT VIỆT NAM THỰC SỰ CHUYỂN MÌNH

04/07/2024

Để nhà hát - thiết chế văn hóa đặc biệt, nơi phục vụ biểu diễn, sáng tạo, cảm thụ, hưởng thụ nghệ thuật cho Nhân dân có những bước phát triển đột phá, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, căn cốt, từ cơ chế, chính sách đến nguồn lực.

CẦN MỞ RỘNG MÔ HÌNH HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ QUỸ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

HỘI THẢO VĂN HÓA 2024 - DIỄN ĐÀN THAM VẤN, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Để thực hiện mục tiêu “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì không thể không nhắc đến vai trò của các thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống nhà hát – thiết chế văn hóa đặc biệt, nơi phục vụ biểu diễn, sáng tạo, cảm thụ, hưởng thụ nghệ thuật cho Nhân dân.

Nhìn chung, trong những năm qua, Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển hệ thống nhà hát trên cả nước, về cơ bản đảm bảo chức năng phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và bước đầu hướng tới mục tiêu biến các nhà hát thành nơi hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, thực trạng hệ thống nhà hát tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 61 tỉnh, thành ở nước ta hiện nay cũng đang có nhiều yếu kém, hạn chế.

Phóng viên: Thưa bà, bà có đánh giá thế nào về thực trạng phát triển hệ thống nhà hát ở Việt Nam hiện nay?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Trong những năm qua, nhất là từ khi bước sang thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa và con người Việt Nam, trong đó có vai trò không thể thiếu của hệ thống nhà hát trong cả nước.

Tôi nhận thấy, nhiều chính sách mới đã ra đời, góp phần khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm nghề, khuyến khích các văn nghệ sĩ tận tâm cống hiến cho ngành, cho đất nước, cụ thể là: Chính sách khuyến khích các đơn vị sự nghiệp và tổ chức văn hóa, nghệ thuật hoạt động kinh tế; Chính sách chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo loại hình ngoài công lập; Chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật của Nhà nước hoặc chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên; Chính sách tôn vinh văn nghệ sĩ (phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT); Chính sách khen thưởng, trao giải thưởng đối với các tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật…

Nhìn chung, có thể thấy, việc xây dựng, ban hành các chính sách để phát triển hệ thống nhà hát đã có đầy đủ các căn cứ, cơ sở pháp lý, vấn đề là triển khai, hiện thực hóa các chính sách đó như thế nào. Về cơ bản, việc hoạch định, ban hành chính sách đã có những chuyển biến tích cực, năng động, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà nghệ thuật biểu diễn là một ngành then chốt.

Nhà Hát Lớn thành phố Hồ Chí Minh

Theo Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012-2020, mục tiêu cụ thể của Quy hoạch là: “Đến năm 2020, tại các đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Tại các đô thị trung tâm vùng kinh tế - xã hội, đô thị loại I: Thành phố Thái Nguyên, thành phố Hải Phòng, thành phố Vinh, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn, thành phố Nha Trang, thành phố Đà Lạt, thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Cần Thơ xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô phù hợp, hiện đại đủ điều kiện tổ chức sự kiện cho vùng và quốc gia. Tại các đô thị loại II, loại III và một số khu dân cư cạnh khu công nghiệp lớn, khu du lịch quốc gia, khu đô thị đông dân cư: Xây dựng một số công trình văn hóa (thiết chế tổng hợp), tùy theo quy mô dân số và đặc điểm của từng tỉnh, thành phố có thể bao gồm 1 đến 3 chức năng (rạp, cụm rạp chiếu phim; rạp hát; nhà triển lãm) trong một thiết chế văn hóa”.

Tổng số nhà hát được Quy hoạch xác định cần nâng cấp và xây dựng mới là 71 nhà hát (trong đó xây mới 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát), cụ thể là: Xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 đến 2.500 ghế, với trang thiết bị hiện đại chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng và cơ khí sân khấu. Trong đó, tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xây mới công trình nhà hát có quy mô lớn từ 2.500 đến 3.000 ghế. Xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 đến 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn. Nâng cấp cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật 20 công trình nhà hát đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay là năm 2024, việc triển khai thực hiện Quy hoạch và kế hoạch trên mới có 50% địa phương đạt chỉ tiêu xây dựng nhà hát trên 1000 ghế. Tiêu biểu là các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Bình Định,… Trong đó, tổng số nhà hát xây dựng mới chiếm tỷ lệ thấp đáng kể so với chỉ tiêu đề ra.

Phóng viên: Bà có đánh giá như thế nào về thực trạng nguồn lực để phát triển hệ thống nhà hát ở Việt Nam hiện nay?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Về nguồn lực cơ sở vật chất, trên cơ sở kế thừa, củng cố hệ thống nhà hát từ thời Pháp để lại và tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống nhà hát mới theo các Chiến lược, Quy hoạch, Đề án đã được phê duyệt, có thể thấy, đến nay chúng ta đã có một hệ thống nhà hát trải rộng trên cả nước với nhiều quy mô, loại hình, tính chất khác nhau, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hệ thống này từng bước được hoàn thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị theo hướng văn minh, hiện đại. Một số nhà hát cũ đang xuống cấp tại các địa phương cũng được rà soát, cải tạo, nâng cấp và trang bị mới hệ thống phương tiện kỹ thuật để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngay càng khắt khe của công chúng.

Nhìn chung, trong những năm qua, Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển hệ thống nhà hát trên cả nước, về cơ bản đảm bảo chức năng phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và bước đầu hướng tới mục tiêu biến các nhà hát thành nơi hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng và Nhà nước. Một số nhà hát trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và ngày càng phát triển khởi sắc như: Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội...  

Tại một số đô thị trung tâm vùng kinh tế - xã hội, đô thị loại I đã xây dựng được một số nhà hát có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện tổ chức sự kiện cho vùng và quốc gia, như ở thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Thái Nguyên.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận là trên phương diện cơ sở vật chất – kỹ thuật, hệ thống nhà hát của chúng ta còn rất nhiều yếu kém, hạn chế. Một số nhà hát tuy phát triển tốt về khán giả, doanh thu, nhưng địa điểm biểu diễn còn nhiều khó khăn, quy mô nhà hát chưa đáp ứng theo quy định. Chẳn hạn, về quy mô, hầu hết các nhà hát ở Việt Nam có quy mô nhỏ hẹp: Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam chỉ có 260 chỗ ngồi; Nhà hát Tuổi trẻ ở cả 2 cơ sở mới có 588 chỗ ngồi; Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổng cộng 2 cơ sở có 726 chỗ ngồi, Nhà Hát Lớn Hà Nội chứa được tối đa 870 chỗ,... Các nhà hát sân khấu truyền thống quy mô chỉ 300- 400 chỗ ngồi. Đồng thời, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng và biểu diễn…

Thậm chí một số đơn vị thuộc cấp trung ương, đóng ngay tại Thủ đô mà chưa có rạp hát để biểu diễn, phải đi thuê như: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Nhạc, Vũ Kịch Việt Nam. Tại các địa phương, tình hình còn khó khăn hơn. Theo thống kê tôi được biết, tính đến tháng 12/2023 trên cả nước có 106 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, tuy nhiên rất nhiều đơn vị không có nhà hát, nơi biểu diễn của mình mà thường phải thuê sân khấu, địa điểm biểu diễn, làm gia tăng chi phí, sự phụ thuộc vào bên ngoài và gây nhiều khó khăn cho hoạt động biểu diễn.

Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)

Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, đến nay chúng ta chưa có các nhà hát có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Hiện nay Hà Nội mới chỉ có nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn, sự kiện văn hóa trang trọng. Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình xây dựng 01 nhà hát quy mô, hiện đại tại Thủ Thiêm, quận 2. Chúng ta hiện đang rất thiếu các nhà hát xứng tầm để tổ chức các sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế hay mời các ban nhạc, ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn. Hiện nay các đêm nhạc lớn chủ yếu phải diễn ra ở ngoài trời hoặc sân vận động, bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết và không đảm bảo các điều kiện về sân khấu, trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng.

Cùng với đó, tại các nhà hát tình trạng trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, sân khấu nhỏ hẹp, thiết kế kỹ thuật và trang trí mỹ thuật chưa được đầu tư bài bản khiến cho sức hấp dẫn của các vở diễn, chương trình nghệ thuật bị ảnh hưởng. Về phía đầu tư của nhà nước, hạng mục đầu tư trang thiết bị cho các Đoàn nghệ thuật cũng thường xuyên bị cắt giảm và chậm trễ.

Đây là những minh chứng cho thấy nhu cầu cấp bách của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và việc phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong các Chiến lược, Quy hoạch đã công bố, nhất là Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa theo Quyết định số 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phóng viên: Còn về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để phát triển hệ thống thiết chế này thì sao, thưa bà?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Về nguồn lực tài chính, nhìn chung, các nhà hát công lập thuộc ngành văn hóa chủ yếu là đơn vị sự nghiệp có thu. Các nhà hát thuộc lực lượng vũ trang phần lớn được Nhà nước bao cấp, đảm bảo kinh phí duy trì hoạt động để phục vụ nhiệm vụ chính trị của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Theo chủ trương tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp, đến nay 100% các đơn vị đã thực hiện tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ. Các nhà hát đã chủ động sắp xếp, tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách cũng như nguồn thu vào những hoạt động chuyên môn trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và thiết thực. Một số nhà hát được giao tự chủ tài chính bước đầu sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, hợp đồng lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Các nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý hiện đang trên lộ trình xây dựng phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2026 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến đầu năm 2021, mức độ thực hiện tự chủ của 12 nhà hát (không tính Nhà hát Lớn Hà Nội) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là như sau: Tự đảm bảo chi thường xuyên: 02/12 đơn vị (16%); Tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: 03/12 đơn vị (25%); Ngân sách đảm bảo toàn bộ: 07/12 đơn vị (58%); Tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: 0 đơn vị (0%).

Nghệ thuật biểu diễn là một ngành then chốt của công nghiệp văn hóa

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2023, doanh thu của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là đến năm 2020 còn khá là khiêm tốn (tất nhiên chưa kể đến nghệ thuật biểu diễn khu vực tư nhân).

Nhìn chung, trong cơ chế kinh tế thị trường, chỉ các nhà hát gắn với các loại hình nghệ thuật đương đại mới có thể có nhiều khán giả và có doanh thu tốt, như:  Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam; Nhà hát Tuổi trẻ,...

Các nhà hát gắn với các loại hình nghệ thuật truyền thống nhìn chung đều lao đao, khó khăn chồng chất trong cơ chế tự chủ như: Nhà hát Cải lương, Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng (Cá biệt là Nhà hát Múa rối Việt Nam có doanh thu rất tốt do hấp dẫn được khách du lịch và đi lưu diễn nước ngoài nhiều). Các nhà hát gắn với các loại hình nghệ thuật biểu diễn cổ điển, thính phòng do tính chất kén khán giả, nên doanh thu cũng rất khó khăn, như: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Nhạc, Vũ, Kịch Việt Nam. Các nhà hát kịch ở khu vực phía Bắc hoạt động cầm chừng, không có sức hút khán giả mạnh như sân khấu kịch phía Nam.

Do lương cứng không đủ sống, các diễn viên, nhạc công, người lao động tại các nhà hát phải tìm mọi cách bươn chải để duy trì cuộc sống. Thực tế có tình trạng, giới nghệ sĩ, nhạc công thường phải kiếm thêm thu nhập bằng hát thuê, đàn thuê cho các đám cưới, sự kiện, phòng trà, các vấn hầu đồng, dạy thêm, thậm chí làm thêm các nghề không liên quan…

Còn về nguồn lực con người, tôi nhận thấy các nhà hát hiện nay đang rất thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao. Số lượng người làm việc tại các vị trí, việc làm thuộc chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, không đạt tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc chuyên môn, nghiệp vụ biểu diễn nghệ thuật của đơn vị theo quy định. Nhiều nhà hát chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong bộ máy tổ chức, nhân sự.

Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực sáng tạo (tác giả văn học, tác giả kịch bản) ở một số loại hình sân khấu dẫn đến thiếu kịch bản hay, mới, có chất lượng để dàn dựng và biểu diễn. Sự thiếu hụt này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, số lượng tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật ở một số loại hình như: Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch nói, Xiếc,...

Chưa kể đội ngũ làm công tác lý luận phê bình ở các đơn vị hiện nay hầu như không có. Vì vậy, chức năng lý luận, phê bình và định hướng phát triển nhà hát, sân khấu đang có nhiều khoảng trống. Phòng Nghệ thuật trong các nhà hát Trung ương chủ yếu là các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, nên chưa phát huy tốt vai trò định hướng sáng tác, thẩm định, đánh giá chất lượng về nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm, dẫn đến chưa đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện kế hoạch hoạt động ngắn hạn và dài hạn, chưa tham mưu cho Ban Giám đốc để khai thác hiệu quả các tác phẩm, chương trình, vở diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó cũng có những nhà hát hiện nay chưa có bộ phận chuyên môn trong định hướng sáng tạo nghệ thuật.

Nhìn chung, đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên, người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở khu vực Nhà nước khá đông đảo, nhưng lại thiếu vắng các diễn viên giỏi, tài năng trẻ, các “ngôi sao” bởi dễ bị cạnh tranh, lôi cuốn ra thị trường tự do. Một số nhà phê bình cho rằng, các nhà hát Việt Nam vừa thiếu sức thanh xuân, vừa chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của một xã hội tiêu dùng hiện đại.

Phóng viên: Rõ ràng nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt mà Nhà nước ta đã xác định phải phát triển. Tuy nhiên thiết chế văn hóa như nhà hát để đảm bảo cho hoạt động của nghệ thuật biểu diễn lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như vậy. Đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này, thưa bà?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Để phát triển hệ thống nhà hát ở Việt Nam trong thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện Luật định và chính sách. Theo đó, sớm xây dựng và ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như đủ sức tạo hành lang pháp lý phù hợp, đầy đủ để các nhà hát có điều kiện phát triển. Tôi cho rằng, đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo nên sự biến chuyển rõ nét trong hoạt động của các nhà hát.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích đầu tư và tạo nguồn vốn đầu tư cho các nhà hát, cụ thể: thực hiện ưu đãi thuế theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường để khuyến khích đầu tư và tạo nguồn vốn đầu tư cho các nhà hát; cho phép các nhà hát được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu dịch vụ văn hóa theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các quy định pháp luật hiện hành; Đối với các nhà hát/cơ sở nghệ thuật biểu diễn ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và các chương trình mục tiêu, Nhà nước cần hỗ trợ giá cung cấp dịch vụ…

 Để hệ thống nhà hát Việt Nam có những phát triển đột phá, cần phải có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, căn cốt, từ cơ chế, chính sách đến nguồn lực

Cùng với đó, tạo điều kiện về chính sách huy động vốn, thông qua các hình thức huy động vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, các nguồn tài trợ hợp pháp, cổ phần hóa để huy động, khuyến khích các thành phần xã hội đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng các nhà hát/cơ sở nghệ thuật biểu diễn. Có cơ chế, khuyến khích chủ đầu tư, doanh nghiệp lớn xây dựng các nhà hát của doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đặc biệt, cần khuyến khích các nhà hát tư nhân phát triển.

Thứ hai là tăng cường nguồn vốn đầu tư. Trong đó, trước hết phải đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn vốn và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà hát.

Thứ ba là thực hiện giải pháp về bố trí đất đai. Cụ thể UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ưu tiên bố trí khu đất có vị trí thuận tiện và quy mô phù hợp để xây dựng các nhà hát ngay từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt đối với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị loại I, khi xây dựng Quy hoạch và triển khai thực hiện Quy hoạch các đô thị mới hoặc di chuyển các công trình (nhà máy công nghiệp, các khu gây ô  nhiễm...) ra ngoại thành, cần ưu tiên bố trí các vị trí, diện tích phù hợp cho các công trình văn hóa như nhà hát, rạp hát, cơ sở biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, cần có các giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư cải tạo, xây dựng mới các nhà hát theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương khi xây dựng Quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ ràng và cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng các nhà hát, rạp hát, không gian biểu diễn nghệ thuật; chỉ đạo khi quy hoạch các khu đô thị mới phải bố trí diện tích và vị trí đất cho xây dựng các công trình văn hóa, trong đó có nhà hát, rạp hát,...

Thứ tư là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghệ thuật biểu diễn tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, nhất là tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, các trường Cao đẳng, Trung cấp văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Lựa chọn các tài năng trẻ đi đào tạo, tu nghiệp, nâng cao tay nghề ở nước ngoài để ngày càng tiệm cận hơn với mặt bằng thế giới. Có chế độ đãi ngộ phù hợp, tương xứng với lao động của các nghệ sĩ, diễn viên, người lao động tại các nhà hát, tránh tình trạng “chảy máu tài năng” ra thị trường tự do hoặc ra nước ngoài.

Lưu ý thực hiện nghiêm minh, công bằng việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Tôn vinh, động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều cống hiến xuất sắc trong các nhà hát.

Tựu trung, tôi cho rằng, để hệ thống nhà hát Việt Nam có những phát triển đột phá, cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, căn cốt, từ cơ chế, chính sách đến nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính cũng như sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó mới kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khai thông những điểm nghẽn để các nhà hát Việt Nam có thể chuyển mình và cất cánh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương