THU HẸP DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THUỘC ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

23/06/2024

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 24/6, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận phiên toàn thể về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Đây là dự án luật lớn, có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp. Quan tâm tới dự luật, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khóa XI), Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, để mở rộng cơ sở thuế, việc thu hẹp danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là vấn đề lớn, luôn được đặt ra trong các lần sửa đổi,…

CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Luật hoá những vấn đề đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, do sự biến động và phát triển nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT, Luật Thuế GTGT đã bộc lộ một số hạn chế và không ít vướng mắc, rất cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời để sớm khắc phục, giải quyết các bất cập, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. “Đồng tình với quan điểm, cần sớm luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về kinh tế nói riêng. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết đánh giá Luật hiện hành, đảm bảo kế thừa và phát huy những quy định đã mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của Luật thuế GTGT…”, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.

Nhất trí bố cục và nhiều nội dung dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, tuy nhiên để dự thảo Luật Thuế GTGT hoàn chỉnh và có tính khả thi hơn, PGS.TS Đặng Văn Thanh góp ý vào một số nội dung cụ thể như sau:

PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khóa XI), Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam 

Bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

Về Đối tượng không chịu thuế: Để mở rộng cơ sở thuế, việc thu hẹp danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc tượng không chịu thuế GTGT là vấn đề lớn, luôn được đặt ra trong các lần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT.

Dự thảo Luật lần này vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm: Bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ In-ter-net phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Cơ bản đồng tình với dự thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị: Rà soát lại danh mục mặt hàng thức ăn chăn nuôi thực tế hiện nay, nhất là hàng nhập khẩu, bao gồm thức ăn chăn nuôi dưới dạng thô hoặc nguyên liệu (như đậu tương, bã đậu tương, ngô, khô dầu, bột xương, bột cá, xương,...) hoặc thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là sản phẩm công nghiệp chế biến, nhập khẩu về có thể sử dụng được ngay (dạng viên, dạng bột). Đồng thời, cũng rà soát, đánh giá thực trạng của ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam để có đề xuất quy định trong Luật thuế GTGT. Chúng ta đã có bài học từ thực tế ngành công nghiệp phân bón trong 10 năm qua, khi chuyển sang diện không chịu thuế thì phân bón nhập khẩu được hưởng lợi, phân bón sản xuất trong nước gặp khó khăn, NSNN mất thu mà nông dân không được hưởng giá thấp.

“Nên chăng, trường hợp thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước chiếm 50% thị phần trở lên thì giữ nguyên quy định hiện hành (thuộc diện không chịu thuế GTGT). Ngược lại, các cơ sở công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở trong nước chiếm thị phần 50% trở lên thì áp dụng như đối với phân bón, chuyển từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.”, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề xuất.

Cân nhắc ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT

Liên quan tới ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT đối với cá nhân, hộ kinh doanh: Luật thuế GTGT hiện hành quy định cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu 01 năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc diện không chịu thuế GTGT. Mức ngưỡng 100 triệu đồng này được quy định tại Luật số 31/2013/QH13, tương ứng với mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN là 9 triệu đồng/tháng/người (108 triệu đồng/năm).

Dự thảo Luật quy định mức ngưỡng mới doanh thu 150 triệu đồng/năm trở xuống, tương ứng với mức Giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN là 11 triệu đồng /người/tháng.

Do đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị cân nhắc để bảo đảm sự hợp lý giữa người làm công ăn lương và cá nhân kinh doanh, vì doanh thu kinh doanh còn bao gồm cả giá vốn hàng bán và các chi phí khác có liên quan, khác với mức giảm trừ gia cảnh quy định tại thuế TNCN.

Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành quy định rất nhiều loại hàng hoá là đối tượng không chịu thuế... Việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những doanh nghiệp trong nước sản xuất loại hàng hoá này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Quy định này cũng khiến các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi.

Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn 

Các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển... đều có thuế giá trị gia tăng đầu vào nhưng không được khấu trừ. Trong khi đó, hàng hoá nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam; từ đó lại có lợi thế về thuế hơn so với các sản phẩm sản xuất trong nước. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm để hạn chế tối đa những mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, chuyển các mặt hàng đó sang diện có chịu thuế (với mức thuế suất tuy vào mục tiêu chính sách, có thể là 0% hoặc 5%).

Quy định điều tiết thuế GTGT thống nhất cho 2 loại dịch vụ thuộc hoạt động Khoa học công nghệ

Về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động khoa học công nghệ: PGS.TS Đặng Văn Thanh cho biết, Điều 10 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, quy định: "Đơn vị sự nghiệp có các hoạt động dịch vụ phải đăng ký, kê khai, nộp đủ các loại thuế và các khoản khác (nếu có), được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật”.

Điểm 2.15, Mục II, Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì: “Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Như vậy, các đơn vị sự nghiệp có phát sinh các dịch vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ thì các dịch vụ này sẽ chịu thuế với suất thuế GTGT là 5%.

Mặt khác, Khoản 21, Mục II, Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính lại quy định dịch vụ “chuyển giao công nghệ”(theo Luạt chuyển giao công nghệ) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Như vậy, có 2 loại hình chịu điều tiết về thuế GTGT khác nhau. Có thể thấy, xét về mặt quy trình thì mảng dịch vụ “nghiên cứu và phát triển khoa học” đứng vai trò khâu trước, “đầu tầu” hơn, thế nhưng  lại là đối tượng chịu thuế GTGT, trong khi việc “chuyển giao công nghệ” chỉ là khâu sau thì không chịu thuế. Qua thực tiễn quản lý thuế, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Vì vậy, theo PGS.TS Đặng Văn Thanh nếu có thể, nên quy định điều tiết thuế GTGT thống nhất cho 2 loại dịch vụ này, có như vậy vừa đảm bảo tính logic về điều tiết thuế nói chung, vừa tránh việc so sánh về sự thiếu công bằng.

Quy định rõ dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT

Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào, Hoàn thuế GTGT: PGS.TS Đặng Văn Thanh đồng tình với các quy định bổ sung: “Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế GTGT”, “dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư mà chưa được hoàn thuế và có số thuế chưa được khấu trừ còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên”.

Tuy nhiên, đề nghị cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ trên 300 triệu sau 4 quý là số vốn lớn cho hoạt động kinh doanh, nếu chậm được hoàn sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh và chi phí kinh doanh của Doanh nghiệp gây bất lợi cho Doanh nghiệp.

Đồng thời, PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng đồng tình với việc quy định rõ dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT là dự án đầu tư (dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng) theo quy định của pháp luật đầu tư; bỏ các quy định không hoàn thuế GTGT đầu vào đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký, dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu,.../.

Lê Anh

Các bài viết khác