PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

16/06/2024

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, các ý kiến tại Phiên họp rất sâu sắc, đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn chỉnh nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời cần cụ thể về thời hạn hoàn thành và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên Ban soạn thảo.

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Quang cảnh Phiên họp

Gởi mở nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội khóa XV làm luật trong nhiệm kỳ này, do đó Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát cần phải mẫu mực cả về tinh thần trách nhiệm, mẫu mực về nội dung và mẫu mực cả về quy trình, thủ tục. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật; Tờ trình dự án Luật…

Sau khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật công bố Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo dự án Luật và Quyết định thành lập Tổ Biên tập dự án Luật, các đại biểu tập trung góp ý vào: Tờ trình dự án Luật; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát; báo cáo UBTVQH về phạm vi, sửa đổi bổ sung Luật; Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật; Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo dự án Luật.

Cụ thể thời hạn hoàn thành và phân công trách nhiệm rõ ràng

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các ý kiến tại Phiên họp rất sâu sắc, đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp thu tối đa các ý kiến này để hoàn chỉnh nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo, Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tờ trình dự án Luật, Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật…).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Về Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần thiết phải cụ thể về thời hạn hoàn thành và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên Ban soạn thảo. Các thành viên Ban soạn thảo phải tham gia toàn diện dự thảo Luật, nhưng từng nhóm cần tham gia chuyên sâu để cụ thể hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đổi mới việc họp các Tổ chuyên đề và có báo cáo của Tổ chuyên đề, vấn đề nào chưa thống nhất thì cần thảo luận thêm để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Về nội dung Tờ trình, dự thảo Luật và kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nội dung này cần phải thống nhất, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nội dung sửa đổi phải phản ánh được các vấn đề của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và lồng ghép 5 chính sách sao cho tránh trùng lặp.

“Ví dụ trong Tờ trình cần xác định các nhóm vấn đề như: Thứ nhất, xác định phạm vi, đối tượng, phương thức giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH… Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các vấn đề đã vướng mắc trong thực tiễn. Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; giải trình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật và giám sát đến cùng, trình tự, thủ tục các hoạt động này. Thứ tư, thực hiện nghiêm lấy phiếu tín nhiệm. Thứ năm, các quy định về chuyển đổi số, sử dụng và trao đổi thông tin trong hoạt động giám sát”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là 5 nội dung chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi lần này và 3 nội dung trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đều cần phải được thể chế hóa đầy đủ. Dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo biên tập lại các nội dung này thành 5 nhóm vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đưa vào mục 7 của Tờ trình, viết sao cho chặt chẽ, đồng thời bày tỏ rõ quan điểm của Ban soạn thảo.

Trên cơ sở Tờ trình của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần nêu rõ, thống kê phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật gồm bao nhiều điều khoản trong Tờ trình. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bám sát vào Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp này.

Ban soạn thảo cần nắm chắc các nhiệm vụ được phân công để đảm bảo thời gian, sát với yêu cầu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cảm ơn các ý kiến phát biểu của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc. Đề nghị các thành viên Ban soạn thảo nắm chắc các nhiệm vụ được phân công để đảm bảo thời gian, công việc tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, hoàn thành công việc được giao; phối hợp nhịp nhàng, phân công, giao nhiệm vụ theo hướng gắn với chuyên môn để sát với yêu cầu và đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả.

Nêu rõ thời gian còn lại thực hiện nhiệm vụ này chỉ còn 3 tháng đến thời điểm trình UBTVQH, khối lượng công việc rất nhiều và với chủ trương mẫu mực về nhiều khía cạnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội là rất cao, vì vậy, cần xác định quyết tâm rất cao và trách nhiệm rất lớn để thực hiện nhiệm vụ được giao này. Đồng thời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tin rằng, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật với kinh nghiệm, nỗ lực và trách nhiệm sẽ hoàn thành được nhiệm vụ này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp

Các thành viên Ban soạn thảo dự án Luật tham dự Phiên họp

Các thành viên Tổ Biên tập dự án Luật tham dự Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật công bố Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo dự án Luật và Quyết định thành lập Tổ Biên tập dự án Luật

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Các đại biểu dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh góp ý vào Báo cáo về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai

Các đại biểu dự Phiên họp

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác