QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN VIỆC GHI ÂM, GHI HÌNH TẠI PHIÊN TÒA

28/05/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp; nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều phối tốt phiên tòa.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI) 

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với phương án quy định: “3.Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

4.Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản này.”

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Khẳng định sự cần thiết của việc ghi âm, ghi hình tại phiên toàn, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị cần cân nhắc một số vấn đề. Đại biểu cho rằng nếu để ghi âm, ghi hình một cách tự do trong cả quá trình xét xử sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của Tòa án, lộn xộn tại phiên tòa. Mặt khác, đối với một số phiên tòa xử các vụ án như án ly hôn, kinh doanh…có nhiều bí mật đời tư, thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh thì việc ghi âm, ghi hình tràn lan và đưa thông tin đã cắt gọt lên mạng xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, việc xử phạt các vi phạm trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng cần có sự phân biệt các đối tượng được phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Theo đại biểu, nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đối với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí. Bởi đây là những đối tượng được đào tạo bài bản, có chuyên môn và được ràng buộc bởi trách nhiệm công việc nên thông tin có sự chuyên nghiệp, khách quan hơn.

Đại biểu Phạm Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Phạm Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc quy định  ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Đồng thời, trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của họ và được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Quy định này, nhằm đảm bảo quyền con người quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, quyền đối với hình ảnh cá nhân, bí mật gia đình, bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Cùng quan điểm, đại biểu Dương Văn Thăng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bổ sung thêm lập luận, quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, các bên đưa ra nhiều thông tin, chứng cứ nhưng đây là quá trình thẩm tra thông tin, chứng cứ chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh. Đại biểu chỉ rõ, thời gian qua có nhiều video, trào lưu cắt ghép, đăng lại các nội dung phiên tòa với mục đích “câu view, câu like”, lồng ghép các bình luận tiêu cực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia phiên tòa, tạo dư luận xấu, không phản ánh đúng, đủ quá trình giải quyết vụ án.

Đại biểu Dương Văn Thăng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Dương Văn Thăng, quy định theo hướng này, bảo đảm tính tôn nghiêm của phiên tòa. Để tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử xét xử điều hành phiên tòa tốt nhất nên hạn chế các yếu tố ảnh hưởng, không cần thiết. Mặt khác, quy định này cũng không thu hẹp so với Luật Báo chí. Luật Báo chí hiện hành quy định hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Như vậy Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật liên quan cho phép đến đâu thì báo chí thực hiện đến đó.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Thăng đồng tình với dự thảo Luật khi bổ sung thêm khoản 4 quy định Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Quy định này giống như các hoạt động tố tụng khác thì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, đảm bảo các hoạt động kiểm sát. Việc cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi đó, sau này Viện kiểm sát hay cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, có yêu cầu thì vẫn có thể kiểm tra.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung quy định đối với những trường hợp phóng viên muốn ghi âm, ghi hình đối tượng là bị cáo, bị can, nguyên đơn mà được đồng ý thì cũng nên cho phép ghi âm, ghi hình. Đại biểu cũng đề cao trách nhiệm của phóng viên báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm về các băng ghi âm, ghi hình của mình và trách nhiệm của Tổng biên tập về những nội dung đăng tải.

Thay mặt cơ  quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm rõ, Điều 141 dự thảo Luật không quy định quyền truyền thông, mà chỉ điều chỉnh vấn đề này trong phòng xét xử. Việc ghi âm, ghi hình trong phòng xét xử phải quy định trong Luật. Ra ngoài hành lang, phỏng vấn ai, quay phim ai thì Tòa án không có quyền can thiệp. Quy định này để nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự và để tôn trọng quyền con người.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Trước ý kiến cho rằng chỉ cần một bên đồng ý thì có quyền ghi âm, ghi hình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết trong trường hợp này, chỉ một bên đồng ý, bên kia không đồng ý cũng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền con người. Dẫn chứng vụ án li hôn, vợ, chồng ly dị vì nhiều lý do. Vợ đồng ý nói trước truyền thông thì có thể ảnh hưởng đến đời tư của chồng. Do đó, không thể một bên đồng ý cho phép truyền thông đưa lên mạng vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như dự thảo.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường Diên Hồng

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác