UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2023

15/05/2024

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, chiều ngày 15/05, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN VĂN KIỆN GIA NHẬP HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 của Chính phủ, trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước...

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ trong năm 2024, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 theo định hướng, chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề xuất sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực Nhà nước…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Nêu ý kiến thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết.

Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp; quan tâm chỉ đạo ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trên các lĩnh vực; ban hành nhiều chính sách và giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường; nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu tiết kiệm triệt để, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước...

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực như: Công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, lãng phí; còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước…

Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện Chị chị số 27-CT/TW, Nghị quyết số 74/2022/QH15 và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đổi mới công tác tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, tiếp tục siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính; đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương; có giải pháp hữu hiệu, tăng hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo kỹ lưỡng của Chính phủ và các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá được khá đầy đủ các nội dung, kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023. Đồng thời, thống nhất cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 tiếp tục có nhiều chuyển biến; nhiều lĩnh vực thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực; ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, đảm bảo sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên các ý kiến cũng chỉ ra, việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất kinh doanh vẫn còn có bất cập, hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Bên cạnh các đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nêu, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần phân tích thêm các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại, hạn chế để từ đó có cơ sở đề xuất được các giải pháp mang tính đột phá thực hiện tốt hơn công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần phải cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bám sát Nghị quyết số 81 để hoàn thiện chính sách, pháp luật;  sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu hoặc bất cập; nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đẩy nhanh việc cổ phần hóa thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Đồng thời nhấn mạnh sự đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Với các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện nội dung Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung Phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các ý kiến tại Phiên họp cho thấy, trong 07 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, vẫn còn vi phạm ở các mức độ khác nhau… Phó Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tại Phiên họp, thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các cơ quan liên quan để thực hiện.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo; đồng thời giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiến hành thẩm tra chính thức Báo cáo của Chính phủ để chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra

Các đại biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn phát biểu

Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo; đồng thời giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiến hành thẩm tra chính thức Báo cáo của Chính phủ để chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác