CẦN RÀ SOÁT DANH MỤC ĐẦU TƯ KHI ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CTMTQG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS&MN

16/04/2024

Qua thảo luận về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2023, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, rà soát danh mục đầu tư, báo cáo đánh giá tác động chính sách khi điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh nguồn vốn và đối tượng thuộc Chương trình cần đảm bảo các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư, mục tiêu của Chương trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

UBTVQH XEM XÉT TỜ TRÌNH VỀ ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CTMTQG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS&MN

Toàn cảnh Phiên họp

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023.

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày tóm tắt Tờ Trình về việc hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo thẩm tra về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhất trí sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình

Qua thảo luận nội dung này, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết xem xét, quyết định một số nội dung của chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân một số Dự án, Tiểu dự án trong Chương trình. Các ý kiến đánh giá cao Hồ sơ của Chính phủ trình cũng như Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về nội dung này được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, đảm bảo theo quy định.

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu của Chính phủ tại Phiên họp này. Đồng thời nhận thấy Hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã được chuẩn bị công phu, đảm bảo theo quy định. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc rất đầy đủ.

Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chương trình này đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, do đó, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư là Quốc hội.Vì vậy, thống nhất với Báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội nội dung này là đúng thẩm quyền.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Về điều chỉnh nguồn vốn của Chương trình, theo báo cáo của Chính phủ tại Tờ trình số 105 ở điểm b, khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Với quy định này, nguồn vốn bố trí cho Chương trình là vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn bố trí cho Chương trình trong các năm 2021-2023 bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp đã được Quốc hội quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước phân bổ cho ngân sách trung hạn của Trung ương hàng năm. Và theo Báo cáo thẩm tra, hàng năm Quốc hội cũng quyết định phần vốn sự nghiệp cho Chương trình và không có vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện.

Do đó, để đảm bảo tính pháp lý, bố trí vốn phù hợp với chủ trương đầu tư của Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cân nhắc sửa lại điểm b, khoản 3 của Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 như đề xuất của Chính phủ.

Về điều chỉnh đối tượng của Chương trình, theo Báo cáo của Chính phủ, trong thực tiễn thực hiện Chương trình, một số đơn vị sự nghiệp công lập, các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số hoặc một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, một số đơn vị này không nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, dẫn đến khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch, bố trí vốn, thanh quyết toán.

Để đảm bảo thực hiện Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc bổ sung các đối tượng như đề xuất của Chính phủ gồm một số đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc, các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cần thiết. Và đối tượng đầu tư của Chương trình được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư của Chương trình, do đó việc bổ sung đối tượng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị sửa đổi theo hướng bổ sung các đối tượng vào Chương trình và giao cho Chính phủ quy định đối tượng cụ thể, đảm bảo không làm thay đổi tổng mức đầu tư của Chương trình, các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu của Chương trình cũng như cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung

Đề cập về kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung bày tỏ nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc theo phương án 1 và cho rằng, kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo các Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hàng năm và các quy định hiện hành.

Về chủ trương và sự cần thiết đầu tư, hỗ trợ một số đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, cụ thể là giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, điều chỉnh danh mục đầu tư nằm ngoài địa bàn thực hiện được quy định trong Nghị quyết số 120/2020/QH14, đảm bảo các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu của Chương trình, khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của Chương trình.

Cần làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, rà soát danh mục đầu tư

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị Hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Hồ sơ đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đảm bảo điều kiện theo quy định. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Hội đồng dân tộc cũng như các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia ý kiến hoàn thiện Báo cáo thẩm tra có chất lượng, chỉ ra nhiều nội dung cụ thể, góp ý hết sức chi tiết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xem xét, quyết định một số nội dung của chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân một số Dự án, Tiểu dự án trong Chương trình.

Nhấn mạnh đây là nội dung sẽ tác động lớn đến sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra cần lưu ý các nội dung mà đại biểu có ý kiến, tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, rà soát danh mục đầu tư, báo cáo đánh giá tác động chính sách khi điều chỉnh chủ trương đầu tư và phụ lục vốn đầu tư, trong đó lưu ý đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đề nghị làm rõ quy hoạch, kế hoạch phát triển của đơn vị cơ sở trong hệ thống giáo dục đào tạo các giai đoạn tiếp theo, mức độ đáp ứng nhu cầu, hiệu quả mang lại cho đơn vị thụ hưởng và cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với các đối tượng là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị bổ sung, rà soát danh mục đảm bảo đúng mục tiêu chương trình.

Chính phủ cần hoàn thiện Hồ sơ trước ngày 30/4/2024

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp

Thứ hai, bổ sung đánh giá, làm rõ tính khả thi của việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình cũng như việc triển khai thực hiện một số Dự án của Chương trình để giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc cho đồng bào như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất, bảo đảm cơ sở xem xét mức độ ưu tiên đầu tư Chương trình.

Thứ ba, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, đề nghị trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp. Nội dung là giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, điều chỉnh danh mục đầu tư nằm ngoài địa bàn thực hiện quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 đảm bảo các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư, mục tiêu của Chương trình. Đồng thời khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ trước ngày 30/4/2024. Hội đồng Dân tộc hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo đúng quy định./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần làm rõ tính khả thi của việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình cũng như việc triển khai thực hiện một số Dự án của Chương trình để giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc cho đồng bào...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày tóm tắt Tờ Trình về việc hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo thẩm tra về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Các đại biểu dự Phiên họp./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác