CẤM TUYỆT ĐỐI NỒNG ĐỘ CỒN ĐỂ ĐẢM BẢO LỢI ÍCH CHUNG CỦA TOÀN XÃ HỘI

15/04/2024

Theo chương trình lập pháp, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự luật, ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law cho rằng, việc đánh giá thế nào là đủ tỉnh táo để tham gia giao thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không phù hợp bởi trong thực tế. Do đó, phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn là một trong những giải pháp tích cực nhằm đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội.

CẤM TUYỆT ĐỐI LÁI XE KHI CÓ NỒNG ĐỘ CỒN LÀ CẦN THIẾT TRÊN CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, ĐẦY ĐỦ

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law

Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Trong đó, quy định về hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đây cũng là nội dung được nhiều người dân quan tâm, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Hiện nay, hầu hết các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đều áp dụng hình phạt đối với các tài xế uống rượu, bia lái xe; tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở để xác định xử phạt tại các khu vực này lại khá đa dạng. Chẳng hạn:

Tại các quốc gia Hồi giáo như Afghanistan, Iran, Pakistan, Qatar,… và một số quốc gia khác như Brazil, Hungary, Paraguay, Romania, Slovakia, Uruguay quy định mức giới hạn nồng độ cồn bị xử phạt là từ 0 mg/L khí thở trở lên, tức là cứ có cồn là bị phạt.

Tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/L khí thở, người điều khiển xe sẽ bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo” và sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 3 năm và 500.000 yên tiền phạt (khoảng 104 triệu đồng). Ở trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù giam và 1 triệu yên (tương đương 200 triệu đồng). Đáng chú ý hơn cả là hành khách ngồi cùng trên xe khi đó cũng sẽ bị xử phạt tiền hoặc thậm chí là ngồi tù.

Tại các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Australia mức giới hạn nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông là 0,05 mg/L khí thở. Những người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tại Hàn Quốc có thể bị phạt tù lên tới 3 năm cùng 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng). Singapore áp dụng hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Ở Malaysia, người thân của tài xế vi phạm nồng độ cồn cũng sẽ bị xử phạt theo. Ở Australia, người lái xe khi say rượu với nồng độ cồn vượt quá 0,05 mg/L khí thở có thể sẽ bị phạt tù và bị nêu tên trên báo.

Tại Việt Nam, kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực (ngày 01/01/2020) thì hành vi điều kiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thơi có nồng độ cồn đã thuộc các hành vi bị nghiêm cấm. Quy định này khi đi vào cuộc sống đã được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đạt nhiều kết quả tốt. Cùng với đó, trong thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo tinh thần nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã góp phần quan trọng làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, góp phần giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông.

Trên thực tế, quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không phải là nội dung mới, mà được kế thừa từ quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Việc tiếp tục quy định cấm này trong luật mới sẽ là một trong những giải pháp căn cơ góp phần hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, tuy nhiên để hình thành văn hoá này có thể cần một quá trình lâu dài, nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tình hình giao thông của Việt Nam.

Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương và làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia, nguồn thu ngân sách của Nhà nước, ảnh hưởng đến nguồn lao động và thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Phóng viên: Trong thực tế, có nhiều trường hợp mặc dù đã uống rượu, bia sau một thời gian dài hoặc qua đêm nhưng vẫn còn nồng độ cồn. Không những vậy, mỗi người lại có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi sử dụng rượu, bia… Do đó, theo Luật sư, cấm tuyệt đối nồng độ cồn có khả thi và hợp lý hay không?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Hiện nay, điều kiện giao thông ở Việt Nam đặc thù hỗn hợp, xe cộ đi lại có nhiều trường hợp, nhiều đối tượng bất tuân quy tắc về làn đường, khoảng cách, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, mật độ phương tiện lưu thông rất lớn, xe cộ gần như là “chen nhau” trên đường. Do đó, khi tham gia giao thông, đòi hỏi người điều khiển phương tiện phải thực tỉnh táo và có phản xạ thật nhanh nếu tình huống bất ngờ xảy ra.

Trong khi đó rượu, bia lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và hành vi của con người, đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi sử dụng rượu, bia, việc đánh giá thế nào là đủ tỉnh táo để tham gia giao thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không phù hợp bởi trong thực tế. Có trường hợp uống rượu, bia từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước uống say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày.

Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có mức độ nguy hiểm đặc biệt lớn, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông làm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông và với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua. Thực tiễn cho thấy, người sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông đa số đang trong tuổi lao động, là trụ cột của gia đình, nếu bị tai nạn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, để lại những hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Việc đặt ra quy định cấm hành vi điều kiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn thực chất mang mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội thì phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng được xem là một trong những giải pháp đang phát huy được một số hiệu quả tích cực (bên cạnh một số quan điểm ý kiến trái chiều về quy định này).

Phóng viên: Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe. Tuy nhiên, mới đây, dự thảo Luật đã bổ sung quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe. Theo Luật sư, quy định này sẽ có tác động như thế nào?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Quy định về điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe được đề cập tại Điều 57 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, mỗi người sẽ có 12 điểm trên trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe; khi người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe, giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất; trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi đủ 12 điểm.

Đây là biện pháp "đánh trực tiếp" vào ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe bị trừ số điểm nhất định, vi phạm nhiều lần, lái xe sẽ bị trừ nhiều lần trên giấy phép lái xe cho đến khi bị tước giấy phép lái xe… Biện pháp này sẽ buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có ý thức về số điểm trên giấy phép lái xe của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm.

Có thể thấy, quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ. Thay vì nhiều hành vi vi phạm phải áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay thì chuyển sang áp dụng quy định trừ điểm giấy pháp lái xe và yêu cầu người bị trừ hết điểm phải kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm là biện pháp mang tính nhân văn hơn. Biện pháp này vừa quản lý chặt chẽ người được cấp giấy phép lái xe, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện khi người đó cố gắng, chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phóng viên: Để hoàn thiện dự thảo Luật, Luật sư cho rằng đâu là những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm, chú trọng?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Giám đốc Công ty Luật Equity Law: Theo tôi, để hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần quan tâm, chú trọng đến các vấn đề sau:

Một là, quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật cụ thể tuỳ thuộc vào chất lượng hoạt động xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản đó. Do vậy, trong quá trình xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần phải tập chung mọi nỗ lực để xác định đúng đối tượng, phạm vi điều chỉnh để làm cơ sở cho việc xây dựng các nội dung khác của luật.

Hai là, quy định về đấu giá biển số xe. Hiện nay, việc đấu giá biển số xe chỉ mới dừng lại ở ô tô. Tuy nhiên trong thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân mong muốn sở hữu biển số xe mô tô, xe gắn máy theo ý thích. Mặt khác, số lượng xe mô tô, xe gắn máy đăng ký hàng tháng rất lớn, nếu mở rộng đấu giá biển số đối với các loại xe này sẽ tăng thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Do đó, trong quá trình hoàn thiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để cân nhắc việc mở rộng đối tượng đấu giá biển số xe đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Ba là, quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe. Như đã phân tích ở trên việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe góp phần quản lý tốt hơn đối với người được cấp giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, để quy định pháp luật được thực thi có hiệu quả, vấn đề đặt ra là cần có quy định một cách cụ thể, công bằng, rõ ràng về việc trừ điểm giấy phép lái xe, việc trừ điểm cũng cần được tiến hành theo thủ tục đơn giản để không gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý.

Bốn là, quy định về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Việc thành lập Quỹ này phù hợp với nhu cầu thực tiễn khi hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra cho con người và xã hội. Mục đích của việc thành lập Quỹ này là để hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được nhà nước bảo đảm kinh phí. Do đó, để đảm bảo được mục đích tốt đẹp của Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ thì việc bổ sung các quy định của pháp luật là một trong những vấn đề cần chú trọng quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành