PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TRẦN THỊ HOA RY CHÚC TẾT CHOL CHNAM THMAY TẠI ĐẠI SỨ QUÁN CAMPUCHIA
Cùng đi có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; đại diện lãnh đạo và các sở, ngành, huyện Tri Tôn...
Nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay năm 2024, tại An Giang, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Đoàn công tác đã đến Chùa Soài So Tôm Nớp (huyện Tri Tôn), chúc tết Hòa thượng Chau Ty, các vị thượng tọa, sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer.
Bày tỏ niềm vui khi đến thăm chùa và đồng bào dân tộc Khmer tại An Giang, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Hòa thượng Chau Ty, các vị thượng tọa, sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trao quà của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Acha, tăng ni phật tử và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây
Gặp gỡ các vị chức sắc, chư tăng tại Chùa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, với hơn 1,3 triệu người, đồng bào Khmer có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào luôn tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức, đồng lòng với Nhân dân cả nước đóng góp tích cực vào những thành tựu, kết quả to lớn, toàn diện của đất nước.
Những năm qua, cùng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của An Giang đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của đồng bào Khmer.
Đoàn công tác của Thường trực Hội đồng Dân tộc và lãnh đạo tỉnh An Giang thăm và chúc Tết Hòa Thượng Chau Ty, các vị thượng tọa, sư sãi Chùa Soài So Tôm Nớp (huyện Tri Tôn)
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong đồng bào, các vị sư sãi, đồng bào Khmer tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch; quan tâm vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia thực hiện tốt các phong trào tại địa phương, chung sức, đồng lòng, xây dựng An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị lãnh đạo tỉnh An Giang tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, chăm lo Tết cho đồng bào trên địa bàn để mọi người dân đều được đón tết đầy đủ, yên vui, đầm ấm và hạnh phúc.
Thừa ủy quyền của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chuyển lời thăm hỏi ân cần và chúc Tết của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đến bà con dân tộc Khmer tại An Giang. Đồng thời, trao 10 phần quà (mỗi phần quà trị giá 3 triệu đồng) của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni phật tử và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay.
Đoàn công tác của Thường trực Hội đồng Dân tộc và lãnh đạo tỉnh An Giang thăm và chúc Tết Hòa Thượng Chau Ty, các vị thượng tọa, sư sãi Chùa Soài So Tôm Nớp (huyện Tri Tôn)
Tại đây, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng trao một phần quà tặng Hòa thượng Chau Ty nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay.
Hòa thượng Chau Ty bày tỏ cảm ơn đến Đoàn công tác, đặc biệt là những phần quà ý nghĩa của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay.
Hòa thượng Chau Ty vui mừng cho biết, trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhiều chương trình, chính sách đã được triển khai thực hiện đến đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó, đời sống, kinh tế của đồng bào nâng lên, nhất là vấn đề giáo dục; con em đồng bào Khmer được học hành đến nơi đến chốn.
+ Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang về tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
An Giang là tỉnh biên giới, có diện tích tự nhiên 353.676ha, dân số gần 1,9 triệu người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số (hơn 1,8 triệu người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hơn 97.400 người, với 27.106 hộ, chiếm hơn 5,1% dân số toàn tỉnh. Tại An Giang, DTTS có dân tộc Khmer (75.878 người, chiếm 3,98%), dân tộc Chăm (11.171 người, chiếm 0,59%), dân tộc Hoa (5.233 người, chiếm 0,27%), phần còn lại là dân tộc thiểu số khác sinh sống rải rác trên địa bàn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc
Báo cáo với Đoàn công tác, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú cho biết, An Giang hiện có 16 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có 34 ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tri Tôn là huyện nghèo nên đời sống đồng bào DTTS còn khó khăn.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước, địa phương triển khai nhiều chính sách, chương trình, đặc biệt là chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi (một trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia) nên đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào có bước phát triển. Tuy nhiên, khi thực hiện các dự án còn khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang về tình hình kinh tế - xã hội đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh An Giang
An Giang được giao vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gồm 9 dự án và 12 tiểu dự án. UBND tỉnh An Giang đã giao vốn cho 9 đơn vị sở, ngành và 5 huyện, thị làm chủ đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn gần 375 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã bố trí được trên 277 tỷ đồng, đạt 73,97%; đến hết ngày 31.3.2024, tỉnh giải ngân được trên 90,1 tỷ đồng, đạt 32,5%.
Trước tỷ lệ giải ngân thấp nêu trên, các thành viên Đoàn công tác đề nghị địa phương phân tích rõ vì sao tỷ lệ giải ngân còn thấp? Khi thực hiện các dự án còn khó khăn, vướng mắc gì, địa phương cần có những kiến nghị cụ thể để Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh kịp thời, bảo đảm thực hiện tốt hơn các dự án.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh An Giang
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18.1.2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết ra đời đã tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập cho các địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang nguyên nhân giải ngân thấp là vì những tháng đầu năm 2024, các địa phương thực hiện phân định vốn thực hiện. Trong khi đó, một số dự án "tiền còn mà hết đối tượng thực hiện", hoặc "có dự án không đủ đối tượng thực hiện"… Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này, Ban Dân tộc tỉnh sẽ làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để rà soát lại các dự án, phân tích rõ từng khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ và kiến nghị cấp có thẩm quyền.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú phát biểu
Phát biểu tại cuộc làm việc, nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm gửi lời chúc mừng năm mới đến đồng bào dân tộc Khmer của An Giang; chúc đồng bào đón tết an lành, đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những chủ trương, chính sách này đã làm thay đổi diện mạo của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như đời sống của đồng bào DTTS.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị An Giang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và tôn giáo. Trong đó, tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực, thăm hỏi, hỗ trợ giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống; chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc Khmer, các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn đều được hưởng mùa xuân đầm ấm, an lành và hạnh phúc.