GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

11/04/2024

Sáng 11/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi)”. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC: BẢO ĐẢM NGƯỜI DÂN ĐƯỢC TIẾP CẬN THUỐC CHẤT LƯỢNG, KỊP THỜI, GIÁ CẢ HỢP LÝ

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có: đại diện các cơ quan liên quan; đại diện một số vụ/đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001. Tiếp đó, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định trong luật đã  bộc lộ hạn chế, bất cập. Cùng với đó, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới; hệ thống pháp luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật mới đòi hỏi Luật Di sản văn hóa phải có sửa đổi phù hợp để bảo đảm tính thống nhất;…

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Vì vậy, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Với vai trò là cơ quan nghiên cứu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia là kênh thông tin khoa học độc lập nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và cung cấp thông tin phục vụ Phiên họp tháng 4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các đại biểu góp ý khách quan, toàn diện vào các nội dung cơ bản tại dự thảo luật. Trong đó, quan tâm nêu quan điểm/chính kiến liên quan đến một số vấn đề trọng tâm về: Khái niệm; quyền sở hữu; phân loại di tích; khu vực bảo vệ; vấn đề quy hoạch; di sản tư liệu; hợp tác công tư; …

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều). Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính, bao gồm: (1)Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; (2) Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. (3) Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia

Cho ý kiến về dự luật, các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo cần kế thừa, phát triển những quy định pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với hệ thống pháp luật hiện hành; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc;…

PGS. TS. Đặng Văn Bài, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Về các loại hình di sản văn hóa, PGS. TS. Đặng Văn Bài, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các loại hình di sản văn hóa bao giờ cũng được tích hợp hoặc bao chứa trong hai loại không gian sinh thái – nhân văn là thành phố (đô thị) và làng xã. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Di sản văn hóa chưa xác định rõ hai khái niệm là di sản văn hóa làng và di sản đô thị. Cả hai loại hình di sản này có những đặc trưng chung: là loại hình di sản sống (còn chức năng, công năng sử dụng, đang trong quá trình phát triển với sự hiện diện của chủ thể văn hóa sáng tạo và đa dạng. Mặt khác, trong lòng/cấu trúc hai loại hình di sản đó bao chứa các loại hình di sản văn hóa khác, cùng quần thể di tích và các di tích đơn lẻ).

Thực tế, chúng ta đã xếp hạng di tích quốc gia một số làng cổ như: Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên – Huế);… Đặc biệt có Khu di tích phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An,.. Vì vậy, dự thảo Luật cần được bổ sung hai loại hình di sản mới và xác lập cơ chế đặc thù để bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có liên quan.

Đồng thời, PGS. TS. Đặng Văn Bài đề nghị, xem xét, giải thích cụm từ “nhóm hiện vật đặc thù”, vì cụm từ này chưa rõ nghĩa. Về bản chất chúng là vật chứa đựng và chuyển tải thông tin; nghiên cứu bổ sung khái niệm “di sản hỗn hợp”;…

TS. Vũ Thị Minh Hương, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia 

Quan tâm tới quy định về di sản tư liệu, TS. Vũ Thị Minh Hương, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, dự thảo Luật đã dành một Chương cho Di sản tư liệu là một bước tiến trong việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản tư liệu nói riêng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, một quốc gia với truyền thống hiếu học, trọng văn chương, chữ nghĩa đầy tiềm năng về Di sản tư liệu - một loại hình di sản còn chưa được cộng đồng xã hội quan tâm đúng mức. Điều đó còn thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong vai trò là thành viên tích cực đối với các hoạt động của UNESCO, được các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Thị Minh Hương lưu ý cần rà soát, tránh chồng chéo với nội dung giao thoa với Luật Lưu trữ. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, việc hoàn thiện các văn bản dưới Luật phải đảm bảo yêu cầu hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân - các chủ sở hữu và đối tượng áp dụng các quy định của pháp luật về Di sản tư liệu thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về Di sản tư liệu đã được Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,…

Đóng góp vào các nội dung khác của dự thảo, nhiều ý kiến kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu: Nên có quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Đây là nhu cầu cấp thiết hiện nay và vô cùng có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, quảng bá, chia sẻ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Đồng thời, cân nhắc việc phân loại, tách Di sản tư liệu thành một nội dung đứng độc lập trong Luật; Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật chi tiết, cụ thể đối với việc cấp phép hoạt động cho Bảo tàng ngoài công lập;...

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn góp ý cụ thể vào quy định đối với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; di sản văn hóa vật thể; quy định về quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa; quy định về công nhận bảo vật, hiện vật quốc gia;…

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham góp hết sức toàn diện, sâu sắc, cụ thể, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, kết quả của hội thảo sẽ được Ban tổ chức nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ phục vụ thiết thực quá trình thẩm tra, cho ý kiến và hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong thời gian tới./.

Lê Anh