GIẢI BÀI TOÁN CHẬM GỬI HỒ SƠ, TÀI LIỆU DỰ ÁN LUẬT ĐẾN QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

11/04/2024

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan trình dự án luật cần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật, đặc biệt cần khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 21: 18 DỰ ÁN LUẬT ĐƯỢC ĐỀ XUẤT ĐƯA VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2025

NHIỀU ĐỔI MỚI THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ TRONG LẬP VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh ghi nhận nỗ lực, cố gắng và kết quả của Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế được coi là cố hữu trong nhiều năm chưa thể khắc phục là chất lượng hồ sơ trình; thời gian gửi hồ sơ chậm và tính gối đầu chưa cao. Cùng với đó vẫn còn tình trạng lùi thời hạn trình dự án luật. Trong khi ngay từ đầu nhiệm kỳ đã có Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch 734/KH-UBTVQH15 về về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ lập pháp, giao nhiệm vụ cụ thế đến từng cơ quan.

Do đó, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cần phải làm rõ thêm nguyên nhân và các giải pháp để khắc phục tình trạng trên, cùng với đó là trách nhiệm người đứng đầu được giao chủ trì dự thảo.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh phát biểu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng trong quá trình thực hiện Chương trình cần thực hiện tốt hơn việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của dự án luật, lấy ý kiến của các hiệp hội, các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, thảo luận.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cũng lưu ý đối với các nội dung đề nghị đưa vào Chương trình cần phải xác định thật rõ tính cần thiết và đánh giá kỹ tác động của chính sách, nhất là đối với các dự án đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024, bổ sung vào Kỳ họp thứ 7 tới cần làm rõ sự cần thiết, báo cáo rõ tiến độ, lộ trình thực hiện từng bước và phải khẳng định chất lượng các nội dung trình. Bổ sung bất cứ nội dung nào đều cần phải xác định rất rõ tính cần thiết, kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án không đủ điều kiện và chưa được chuẩn bị kỹ để tránh phải điều chỉnh nhiều lần, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tích cực nghiên cứu, đánh giá sâu sắc hơn các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể hóa nội hàm của các chính sách cũng như các nội dung, giải pháp và hoàn chỉnh việc đánh giá tác động tương ứng đối với các nội dung chính sách đưa ra để đảm bảo rõ ràng, khả thi và chất lượng của hồ sơ dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, điều hành phiên họp thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024

Theo Tờ trình của Chính phủ và các cơ quan, về điều chỉnh Chương trình năm 2024, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 là 10 dự án, dự thảo (07 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết, 01 dự án pháp lệnh), lùi thời gian trình đối với 01 dự án luật, Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung 01 dự án luật.

Sau khi điều chỉnh, bổ sung, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), tổng số có 21 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết, trong đó trình Quốc hội thông qua 09 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội cho ý kiến 12 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), tổng số có 23 dự án luật; trong đó, trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật và trình Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật. Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 02 dự án Pháp lệnh.

Về dự kiến Chương trình năm 2025, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc đề nghị đưa 18 dự án luật vào Chương trình năm 2025. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 9 thông qua 08 dự án luật và cho ý kiến 10 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 10 thông qua 10 dự án luật và không có dự án luật trình cho ý kiến.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu

Luật Địa chất khoáng sản là một trong những dự án luật được đề xuất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới. Tuy nhiên, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn mặc dù Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã lên kế hoạch thẩm tra dự án Luật Địa chất, khoảng sản nhưng do chưa nhận được hồ sơ dự án luật nên đã không thể tổ chức được phiên họp. Trong khi đây là dự án luật quan trọng và khó, việc chậm gửi hồ sơ dự án luật đã gây khó khăn cho công tác thẩm tra.

Nhấn mạnh việc chậm gửi tài liệu mặc dù đã được nhắc nhiều lần, nhưng vẫn là bài toán khó giải, các thành viên Ủy ban Pháp luật nêu rõ điều này cũng gây khó cho đại biểu khi nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự án luật.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cho rằng mặc dù thời gian qua đã có nhiều cố gắng, quyết liệt để khắc phục tình trạng gửi chậm tài liệu nhưng đến nay đây vẫn là “bài toán khó giải”.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh phát biểu

Cùng với đó, theo quy chế, để bảo đảm chất lượng hoạt động thì theo quy chế tại một kỳ họp, mỗi Ủy ban được giao không quá 2-3 dự án luật. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, có những Ủy ban phải phụ trách đến 5 dự án luật. Áp lực công việc là rất lớn. Do đó, đòi hỏi phải bố trí thời gian hợp lý, bảo đảm chất lượng nghiên cứu, cho ý kiến hoàn thiện dự án luật cũng như cần có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội.

Các đại biểu cho rằng cần có giải pháp tăng cường hơn nữa công tác lập pháp để có thể hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Lê Xuân Thân phát biểu

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Lê Xuân Thân bày tỏ tán thành với đề xuất trong trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét tổ chức thêm kỳ họp hoặc kéo dài thêm thời gian kì họp thường lệ, chia kỳ họp thành các đợt để xem xét, thông qua các dự án luật. Ủy viên Ủy ban Pháp luật Lê Xuân Thân cho rằng việc có thêm kỳ họp để làm công tác lập pháp sẽ giảm áp lực cho các bộ, ngành, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cả đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Việc có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ bảo đảm được chất lượng của công tác lập pháp.

Cùng quan điểm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hoàng Quốc Khánh chỉ rõ, trong bối cảnh chương trình xây dựng pháp luật là rất nặng nề nhưng nặng như vậy nhưng năm 2025 lại có đặc thù các địa phương tổ chức đại hội cấp cơ sở. Nhiều công việc ở các địa phương trùng với thời điểm kỳ họp Quốc hội. Do đó, cần nghiên cứu để có nhiều thời gian để cho ý kiến, thảo luận về các dự án luật./.

Bảo Yến