LUẬT SƯ TRẦN SỸ TIẾN: CẤM TUYỆT ĐỐI NỒNG ĐỘ CỒN GÓP PHẦN THỰC HIỆN TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG

08/04/2024

Theo chương trình lập pháp, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự luật, Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT nêu rõ, việc giữ cho người điều khiển phương tiện giao thông tỉnh táo hoàn toàn khi tham gia giao thông cũng là một phương pháp góp phần giữ cho trật tự giao thông được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

CẤM TUYỆT ĐỐI LÁI XE KHI CÓ NỒNG ĐỘ CỒN LÀ CẦN THIẾT TRÊN CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, ĐẦY ĐỦ

CÂN NHẮC QUY ĐỊNH "CỨNG” NỒNG ĐỘ CỒN KHI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT

Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Trong đó, quy định về hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đây cũng là nội dung được nhiều người dân quan tâm, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Xét về mặt kỹ thuật, hiện nay, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có hành vi Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Cùng với đó, tại Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 cũng quy định sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác. Trong đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng được sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 như sau: “Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.”

Như vậy, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần này không thể mâu thuẫn nội dung với các luật khác đang có hiệu lực. Nếu quy định khác thì các luật khác cũng phải sửa đổi, bổ sung tương ứng cho các quy định về cùng một vấn đề đã nêu.

Về mặt xã hội, sử dụng rượu bia có thể coi là một nét văn hóa của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Qua khảo sát cho thấy, Việt Nam đang đứng ở nhóm các nước tiêu thụ rượu, bia rất lớn trên thế giới. Rượu, bia đã ăn sâu vào đời sống của nhiều thế hệ người dân. Tuy nhiên, rượu, bia cũng mang lại rất nhiều tác hại cả về kinh tế và xã hội. Hàng năm, có hàng chục nghìn người chết về các bệnh liên quan đến rượu, bia. Không những thế, các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng chiếm con số không nhỏ, con số người chết và tàn tật lên đến hàng nghìn người. Những thiệt hại về người và tài sản đã tạo nên gánh nặng khủng khiếp cho các gia đình bị nạn và cho toàn xã hội.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều quy định cấm hoặc phạt rất nặng đối với hành vi có nồng độ cồn từ rượu, bia khi tham giam giao thông. Không riêng Việt Nam, một số nước như Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia cũng quy định nồng độ = 0 khi tham gia giao thông. Mức xử phạt vi phạm cũng rất nặng từ phạt tiền đến tước quyền lái xe thời hạn đến 3 năm. Rất nhiều nước khác như Nam Phi, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… đều quy định mức phạt rất nghiêm khắc, thậm chí là phạt tiền đến 10.000 USD hoặc phạt tù đến 10 năm như ở Nam Phi, đến 5.000 USD hoặc 5 năm tù ở Nhật Bản.

Tại Việt Nam, mức phạt cao nhất được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ là khoảng từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Điều đó cho thấy, quy định và hình phạt về hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” của ta là không phải khác lạ so với thế giới. Nếu xét về mức độ chế tài, tức là mức độ trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm thì có thể thấy còn “nhẹ” hơn so với nhiều nước khác.

Một vấn đề khác nữa, đó là văn hóa giao thông tại các đô thị và cả khu vực nông thông của Việt Nam đang ở tình trạng đáng báo động. Việc giữ cho người điều khiển phương tiện giao thông tỉnh táo hoàn toàn khi tham gia giao thông cũng là một phương pháp góp phần giữ cho trật tự giao thông được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

Phóng viên: Trong thực tế, có nhiều trường hợp mặc dù đã uống rượu, bia sau một thời gian dài hoặc qua đêm nhưng vẫn còn nồng độ cồn. Không những vậy, mỗi người lại có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi sử dụng rượu, bia… Do đó, theo Luật sư, cấm tuyệt đối nồng độ cồn có khả thi và hợp lý hay không?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Đây chính là một vấn đề mà thời gian qua rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc tác động của rượu, bia khác nhau trên mỗi cá nhân. Có người sử dụng rượu, bia sau khoảng 4-5 giờ là hết nồng độ cồn, tùy vào lượng sử dụng. Nhưng có thể có những người, do thể trạng mà đến tận ngày hôm sau vẫn còn nồng độ cồn. Chúng ta hiểu nôm na là có người chỉ say một khoảng thời gian ngắn rồi tỉnh lại, nhưng có người thì say rất lâu, đến tận ngày hôm sau vẫn chưa tỉnh.

Ở đây có thể có nguyên nhân là do liều lượng rượu, bia mà người đó đã dùng hoặc thể trạng con người đó khỏe hay yếu, những người có thể trạng không hợp với rượu, bia sẽ dẫn đến tình trạng say rượu, bia lâu hơn. Tuy nhiên, cho dù say nhanh hay say lâu, tại thời điểm có nồng độ cồn trong cơ thể thì ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng nhất định tùy vào mỗi người. Việc hoàn toàn không có nồng độ cồn trong trong máu hoặc hơi thở vẫn là an toàn tuyệt đối cho hệ thần kinh khi tham gia giao thông.

Không những vậy, cá nhân tôi cho rằng, khi con người đã sử dụng rượu, bia thì mọi đánh giá về mức độ ảnh hưởng của cồn đến hệ thống thần kinh của chính mình mang tính chất cảm tính nhiều hơn. Khó ai có thể đo đếm hay ước lượng chính xác được nồng độ cồn trong cơ thể mình và mức độ ảnh hưởng đến tính chính xác của hành vi bản thân khi đã sử dụng rượu, bia.

Thực tế trong thời gian qua đã ghi nhận được những kết quả rất khả quan về số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm nhiều. “Văn hóa” ép uống bia, rượu tại các buổi gặp mặt, liên hoan cũng có những biến chuyển tích cực. Rất nhiều người có lý do chính đáng để không sử dụng rượu bia, đó là còn phải lái xe.

Phóng viên: Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe. Tuy nhiên, mới đây, dự thảo Luật đã bổ sung quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe. Theo Luật sư, quy định này sẽ có tác động như thế nào?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Về vấn đề quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe, tôi hoàn toàn đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Thực ra từ nhiều năm trước đây, chúng ta đã từng áp dụng một hình thức xử lý vi phạm có tính chất tương tự, đó là bấm lỗ trên giấy phép lái xe. Khi vi phạm lần thứ nhất, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và kèm theo đó là bị bấm một lỗ trên trên giấy phép lái xe. Người vi phạm bị bấm lỗ lần thứ hai sẽ phải sát hạch lại Luật Giao thông đường bộ thì mới được cấp đổi giấy phép lái xe. Khi bị bấm đến lỗ thứ ba, hình thức xử phạt sẽ là tịch thu giấy phép lái xe, người vi phạm phải chờ thêm ít nhất 12 tháng mới được phép thi sát hạch để được để có được giấy phép lái xe mới.

Tuy rằng hình thức này mang tính thủ công, nhưng đã đem lại những hiệu quả tâm lý tương tự như bị trừ điểm giấy phép lái xe. Người điều khiển phương tiện giao thông sẽ có ý thức giữ gìn sự trong sạch khi tham gia giao thông đề đảm bảo giấy tờ và lưu hành phương tiện tốt nhất, tức là họ sẽ chủ động mang ý thức chấp hành vào tham gia giao thông. Không những vậy, tại thời điểm đó, khoa học công nghệ chưa phát triển như bây giờ, đặc biệt là công nghệ số hóa chưa được áp dụng cho quản lý nhà nước như hiện nay thì việc ghi lại dấu ấn trên giấy phép lái xe đã giúp cơ quan quản lý, cũng như cơ quan xử lý vi phạm dễ dàng nhận biết tình trạng lưu hành của người tham gia giao thông. Qua đó tránh tình trạng xử lý vi phạm đơn lẻ, thiếu tính đồng bộ có hệ thống và nhận biết tình trạng.

Nhìn ra thế giới, các nước phát triển đã và đang áp dụng rất hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật vào quản lý nhà nước. Chính phủ Việt nam đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc số hóa quản lý vi phạm qua quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe cũng là biện pháp tốt ngăn ngừa tình trạng mất trật tự an toàn giao thông từ sớm, mang lại tính tự giác chấp hành cho người tham gia giao thông.

Phóng viên: Để hoàn thiện dự thảo Luật, Luật sư cho rằng đâu là những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm, chú trọng?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Đối với mỗi dự thảo Luật được xây dựng và ban hành đều với mục đích chính là để quản lý nhà nước được đi vào nề nếp, ý thức tuân thủ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức được duy trì lâu dài. Xây dựng luật là lập nên hệ thống quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước. Chính vì vậy, khi luật được ban hành, nội dung của luật phải được xây dựng hợp hiến, hợp pháp, một cách khoa học, có tính logic và phù hợp với thực tế khi đưa ra áp dụng với đời sống xã hội. Luật ban hành để đảm bảo cho đối tượng chịu tác động tuân theo. Nhưng làm thế nào để luật được tuân theo thì luật phải đi vào cuộc sống, phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Như câu nói “Trẻ em là tương lai của đất nước”, về vấn đề bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Hiện nay, theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/20196/NĐ-CP, các quy định liên quan tới trẻ em khi tham gia giao thông cũng chưa nhiều và thiếu chi tiết. Các quy định hiện hành chủ yếu đưa trẻ em vào “vai phụ”, ví dụ như “Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.”. Do vậy, cần có những quy định chặt chẽ hơn, đưa trẻ em vào làm chủ thể tham gia giao thông. Cần xây dựng những quy chuẩn cụ thể vào nội dung luật để đảm bảo an toàn cho một đối tượng cụ thể khi tham gia giao thông, đó là trẻ em.

Một ý kiến mà tôi đánh giá rất cao, đó là thành lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Đây là một việc chưa có tiền lệ trong quá trình xây dựng pháp luật. Trong xã hội hiện nay, rất nhiều những tấm lòng hảo tâm của các cá nhân và tổ chức thiện nguyên đã không tiếc tiền bạc và công sức để hỗ trợ, giúp đỡ những thân phận thiệt thòi, trong đó có những nạn nhân tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc quyên góp tiền để trợ giúp cho các nạn nhân thường là tự phát và chưa có sự quản lý. Chính vì vậy, việc thành lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ cũng đặt ra vấn đề cần thiết xây dựng những quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Quỹ này, nhằm đảm bảo những yếu tố như: Nguồn lực tài chính huy động, các đối tượng tham gia, mục đích sử dụng nguồn tài chính của quỹ và nguyên tắc hoạt động và quản lý quỹ sao cho công khai, minh bạch, công bằng.

Một vấn đề mới cũng được vào dự thảo Luật lần này, đó là chúng ta lần đầu tiên tổ chức đấu giá biển số xe. Ở nước ta trước đây, biển số xe không được coi là tài sản. Mới đây chúng ta đã thực hiện biển số xe gắn với mã định danh cá nhân. Như vậy, biển số xe đã trở thành một quyền gắn liền với mỗi cá nhân, tổ chức. Khi đã được quy định là quyền cá nhân thì việc đấu giá về quyền đó cũng hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nếu đưa vấn đề đấu giá biển số xe vào luật thì các quy định về đấu giá đối với loại quyền tài sản này cũng cần phải chú ý cân đối để sao cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản hiện hành.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm bảo đảm sự ổn định của giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật cũng quy định để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, của cơ quan, tổ chức. Do vậy, hơn lúc nào hết, những vấn đề về con người luôn phải được quan tâm hàng đầu để tất cả cùng chung tay xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và giàu mạnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành