CẦN QUY ĐỊNH RÕ KHÁI NIỆM, NỘI HÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

08/04/2024

Một trong số 06 nhóm chính sách được đề xuất xây dựng tại Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là quy định liên quan đến người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên. Quan tâm góp ý hoàn thiện nội dung này, Phó Cục trưởng, Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà kiến nghị, tại dự thảo cần làm rõ khái niệm, nội hàm công tác xã hội với người chưa thành niên.

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VÀO NĂM 2024

HỘI NGHỊ VỀ NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN XÂY DỰNG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (5/2024) 

Vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình năm 2023, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được xin ý kiến gồm 156 Điều, bố cục thành 5 phần, 11 chương, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng là người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Dự án luật đề xuất xây dựng 06 nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm: (1) Đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện; (2) Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên; (3) Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp xử lý chuyển hướng; (4) Quy định cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; (5) Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên; (6) Đổi mới cơ chế thi hành án và tái hoà nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên.

Ngoài những cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung Người làm công tác xã hội tham gia tố tụng. Hiện nay, theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về Công tác xã hội thì người làm công tác xã hội đang được xây dựng theo hướng xã hội hóa và được đào tạo chuyên nghiệp sẽ là những người có chuyên môn, kỹ năng trong việc xây dựng báo cáo điều tra xã hội về người chưa thành niên phạm tội cũng như đề xuất, giám sát thi hành các chương trình xử lý chuyển hướngphù hợp, hiệu quả nhất đối với người chưa thành niên.

Do đó, dự thảo Luật quy định vai trò, nhiệm vụ của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên như: Hỗ trợ tâm lý người chưa thành niên khi lấy lời khai; Tư vấn cho cơ quan tiến hành tố tụng về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thích hợp; Giám sát người chưa thành niên thi hành các biện pháp xử lý chuyển hướng; Thực hiện báo cáo điều tra xã hội về người chưa thành niên; Tham gia công tác chuẩn bị cho người chưa thành niên trước khi được trả tự do; Được hỗ trợ chi phí tham gia tố tụng.

Phó Cục trưởng, Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà

Quan tâm tới nội dung này tại dự thảo, Phó Cục trưởng, Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà cho biết, trong hơn 100 năm qua, ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhân viên công tác xã hội tham gia và thực hành công tác xã hội trong hệ thống tư pháp. Công tác xã hội đã trở thành một phần của hệ thống tư pháp tại nhiều quốc gia. Vai trò của công tác xã hội liên tục phát triển trên khắp thế giới, hầu hết các quốc gia hiện đang đưa cán bộ công tác xã hội vào các giai đoạn khác nhau của quá trình tư pháp. Trên thế giới, nhân viên công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của quốc gia nhằm ngăn chặn tội phạm, giảm quá tải nhà tù, cải tạo hiệu quả người vi phạm pháp luật và ngăn ngừa tái phạm.

Đặc biệt, trên thế giới, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên xã hội là những lực lượng quan trọng trong hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên. Sự tham gia của nhân viên công tác xã hội là đặc biệt quan trọng để xử lý hiệu quả người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Nhiều hoàn cảnh dẫn tới trẻ em phạm tội mang tính chất xã hội và có liên quan tới những vấn đề phúc lợi xã hội. 

Ở Việt Nam, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã hình thành tại ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế, Giáo dục, một số cơ sở thuộc các hội, đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, với hơn 600 cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, chăm lo cho người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cai nghiện ma túy và các đối tượng yếu thế khác. Các cơ sở cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội như tư vấn, tham vấn, can thiệp, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, giáo dục đặc biệt, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp, chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho hàng triệu lượt đối tượng. Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố có cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; 100% Bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đã thành lập các phòng, bộ phận công tác xã hội; các trường học hình thành vị trí hoặc bộ phận công tác xã hội học đường đối với học sinh, sinh viên....

 Công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp đối với người chưa thành niên có vai trò đặc biệt quan trọng (Ảnh minh hoạ)

Mặc dù khung pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp đã được hình thành tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển công tác xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như các quy định về phát triển công tác xã hội được quy định tản mạn tại nhiều văn bản, hình thức chủ yếu là văn bản cá biệt, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của các bộ; chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định tổng thể, đầy đủ, chuyên sâu về công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội, quy trình và các điều kiện đảm bảo cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trách nhiệm quản lý nhà nước và điều khoản thi hành về công tác xã hội.

Liên quan đến quy định về người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên tại dự thảo Luật, Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, làm rõ khái niệm, nội hàm công tác xã hội với người chưa thành niên: “Công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia các hoạt động tư pháp”.

Thứ hai, quy định cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp, đề nghị bổ sung tại dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: “Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp là hoạt động hỗ trợ tâm lý xã hội, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hỗ trợ kết nối và hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. trong quá trình tham gia các hoạt động tư pháp”.

Thứ ba, quy định về quyền được thực hiện biện pháp công tác xã hội: “Nhân viên công tác xã hội chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan tư pháp hoặc các cơ quan có liên quan sử dụng các biện pháp nghiệp vụ công tác xã hội để phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, bảo vệ, chăm sóc, phục hồi, hỗ trợ phát triển, tư vấn, trợ giúp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực, bạo hành, lạm dụng, ngược đãi gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho người chưa thành niên theo quy định của pháp luật”./.

Lê Anh