CẤM TUYỆT ĐỐI LÁI XE KHI CÓ NỒNG ĐỘ CỒN LÀ CẦN THIẾT TRÊN CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, ĐẦY ĐỦ
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín
Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Trong đó, quy định về hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đây cũng là nội dung được nhiều người dân quan tâm, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Quy định hiện hành ở nước ta nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (theo khoản 6 điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019). Hiện nay, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông tiếp tục kế thừa quy định này tại khoản 1 Điều 9 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”.
Thực tế, không phải đến bây giờ mà trước đây, khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đã có những quan điểm trái chiều về quy định này vì cho rằng như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Tuy nhiên, khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, quy định này đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”. Các số liệu thống kê về tai nạn giao thông do lái xe khi sử dụng rượu bia giảm trong thời gian qua cũng thể hiện tín hiệu tích cực cho thấy quy định trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt.
Theo quan điểm của Luật sư, việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện uống rượu bia tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là hoàn toàn phù hợp. Bởi việc xây dựng, ban hành Luật này, trong đó có quy định cấm lái xe sau khi đã uống rượu bia xuất phát từ mục tiêu đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Việc tiếp tục đưa quy định về hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” không chỉ đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản luật, từng bước tạo ổn định trong quy định pháp luật liên quan đến nồng độ cồn mà còn góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông.
Phóng viên: Trong thực tế, có nhiều trường hợp mặc dù đã uống rượu, bia sau một thời gian dài hoặc qua đêm nhưng vẫn còn nồng độ cồn. Không những vậy, mỗi người lại có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi sử dụng rượu, bia… Do đó, theo Luật sư, cấm tuyệt đối nồng độ cồn có khả thi và hợp lý hay không?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Tôi cho rằng, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông là hợp lý. Như đã nói ở trên, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đặc biệt đối với điều kiện giao thông ở Việt Nam như hiện nay. Có thể thấy, khi tham gia giao thông đặc biệt vào những giờ cao điểm thì các xe có khi chỉ cách nhau chục centimet. Trong khi đó, tốc độ khi tham gia giao thông không phải nhỏ và việc quy định về làn, khoảng cách phù hợp với tốc độ vẫn còn chưa phát triển như các nước ở trên thế giới. Do đó, người điều khiển tham gia giao thông cần phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều nếu có tình huống bất ngờ xảy ra.
Chúng ta không thể lấy lí do đã uống rượu, bia trong thời gian dài hoặc qua đêm nên đủ tỉnh táo để tham gia giao thông khi dịch vụ đưa đón hay “lái xe hộ” đã ngày càng phát triển trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, mỗi người sẽ có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi sử dụng rượu, bia nên việc đánh giá thế nào là đủ tỉnh táo để tham gia giao thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không phù hợp.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, khi mà ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý thì vẫn cần phải tiếp tục áp dụng việc tuyệt đối nồng độ cồn và xử lý nghiêm khắc để hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”.
Phóng viên: Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe. Tuy nhiên, mới đây, dự thảo Luật đã bổ sung quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe. Theo Luật sư, quy định này sẽ có tác động như thế nào?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Theo Điều 57 dự thảo Luật, điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm.
Người lái xe có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định của Chính phủ. Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Có thể thấy, việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe là vô cùng cần thiết. Điều này cũng được được một số nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc,…
Theo quan điểm của tôi, việc bị trừ điểm của giấy phép lái xe như là “tiếng chuông” cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn khi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét. Theo thống kê, mặc dù tai nạn giao thông mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao thậm chí nhiều vụ tai nạn giao thông gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định pháp luật.
Do đó, việc áp dụng hình thức này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ nếu bị trừ bị trừ hết điểm (kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm).
Đồng thời, đây còn là hình thức mang tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện. Theo đó, nếu người đó cố gắng chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ thì có thể được phục hồi lại điểm và tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định này còn giúp cơ quan quản lý giám sát và đánh giá chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện khi công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế. Đồng thời, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang bị buông lỏng, chưa được quản lý chặt chẽ.
Như vậy quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe đảm bảo được việc nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông. Điểm của giấy phép lái xe sẽ cho thấy được mức độ chấp hành quy định luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, Chính phủ cần nghiên cứu, quy định một cách cụ thể, công bằng, rõ ràng đặc biệt áp dụng công nghệ để việc thực hiện quy định về trừ điểm giấy phép lái xe đơn giản và không gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý.
Phóng viên: Để hoàn thiện dự thảo Luật, Luật sư cho rằng đâu là những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm, chú trọng?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Có thể thấy, một điều luật đã được quy định nhưng nếu không khả thi trên thực tế thì chỉ là quy định trên giấy tờ. Do đó, những quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá những tác động trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện.
Điển hình như quy định trừ điểm giấy phép lái xe cần phải được ban hành cụ thể về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, mục đích của việc trừ điểm GPLX một phần cũng là tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện được kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Do đó, phải có quy định cụ thể về số điểm bị trừ đối với từng lỗi để tránh tình trạng trừ điểm theo cảm tính của người thi hành công vụ.
Ngoài ra, về vấn đề bổ sung nội dung đấu giá biển số vào dự thảo Luật, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, công khai minh bạch các thủ tục, lệ phí đăng ký, cấp biển số. Bên cạnh đó, vấn đề biển số có phải là tài sản vẫn đang là vấn đề bỏ ngõ khi quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân chỉ được chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá kèm theo chuyển quyền sở hữu xe đã đăng ký biển số xe trúng đấu giá đó.
Như vậy, người sở hữu biển số xe trúng đấu giá sẽ không thể chuyển nhượng biển số một cách độc lập. Thay vào đó, biển số chuyển nhượng phải đi kèm với chiếc xe đã được đăng ký biển số đó.
Đồng thời, hiện nay, việc đấu giá biển số xe chỉ mới dừng lại ở oto. Do đó, có thể nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để cân nhắc việc mở rộng đối tượng đấu giá biển số xe đối với xe mô tô, xe gắn máy khi nhu cầu của người dân về vấn đề này là vô cùng lớn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!