HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)
10 VẤN ĐỀ LỚN TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)
Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thường trực Ủy ban Tư pháp xin ý kiến của các Đại biểu về 10 vấn đề lớn, trong đó có quy định Toà án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Cho ý kiến nội dung này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đồng tình với việc quy định về quyền tư pháp trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), trong đó xác định rõ hơn vai trò của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị dự thảo luận cần làm rõ hơn nội dung này, trong đó có quyền phán quyết những sai trái trong quá trình áp dụng pháp luật. Đại biểu nêu 3 căn cứ để Ban soạn thảo tham khảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý luật. Trước tiên, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; gần đây nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đại biểu cho biết, Nghị quyết 49-NQ/TW là cơ sở để sửa đổi Hiến pháp năm 2013, trong đó Điều 102 quy định: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tiếp đến Nghị quyết 27-NQ/TW làm rõ hơn nội dung về quyền tư pháp là gì.
Căn cứ thứ hai đó là Hiến pháp năm 1946 đã hai lần nhắc đến quyền tư pháp và được hiểu đương nhiên là Tòa án, trong đó Điều 11 quy định: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam; Điều thứ 63 của Hiến pháp năm 1946 cũng quy định: Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có: Toà án tối cao, Các toà án phúc thẩm, Các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.
Căn cứ thứ ba, về nguồn gốc ngôn ngữ. Chúng ta dùng ngôn ngữ Hán Việt trong đó chữ “tư pháp” được hiểu là nắm quyền xét xử. Đây là những căn cứ để khẳng định tòa án chính là cơ quan tư pháp.
“Việc làm rõ vấn đề này trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để trong giao dịch hàng ngày của các cơ quan nhà nước, tránh sự hiểu lầm rằng nhiều cơ quan khác cũng là cơ quan tư pháp, nhưng thực chất là tham gia tố tụng hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật. Còn khi nhắc đến cơ quan tư pháp thì khẳng định đó là Tòa án”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Đại biểu Tô Ái Vang – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Cũng quan tâm đến quyền tư pháp, đại biểu Tô Ái Vang – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật quy định: khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án có 8 nhiệm vụ, quyền hạn được quy định từ điểm a đến điểm h. Đại biểu kiến nghị bổ sung thêm một điểm quy định nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án đã được ghi nhận trong Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 đó là: Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án.
Bởi theo đại biểu, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại tòa án mang lại lợi ích hơn cho các bên so với giải quyết bằng con đường tố tụng để tạo điều kiện cho các bên trong tranh chấp, khiếu kiện, tìm kiếm cơ hội thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện nếu thực sự mong muốn có được kết quả hài hòa lợi ích cho cả các bên.
Thường trực Ủy ban Tư pháp xin ý kiến của các Đại biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về 10 vấn đề lớn
Trong báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gửi Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Đối với quy định Toà án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành cần quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị rà soát để quy định cụ thể, đầy đủ. Nhiều ý kiến băn khoăn; đề nghị làm rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp; một số ý kiến đề nghị không quy định.
Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định nội dung “Tòa án thực hiện quyền tư pháp”. Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp tại khoản 1 Điều 3. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy sự cần thiết quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bởi Nghị quyết 27 yêu cầu: “Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, quy định này chưa được làm rõ, cụ thể hóa nên còn có cách hiểu khác nhau, dẫn tới một số trường hợp việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Tòa án còn lúng túng. Thực tiễn công tác xét xử của các Tòa án cũng đòi hỏi cần làm rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp.
Do đó, việc quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật có cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn. Quy định này là cơ sở để xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án trong dự thảo Luật và các luật liên quan, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành cần quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật.
“Tòa án thực hiện quyền tư pháp” theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và “nội hàm quyền tư pháp” là khác nhau. Dự thảo Luật quy định cụ thể nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, không quy định “nội hàm quyền tư pháp”. Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ không quy định nội hàm quyền lập pháp, quyền hành pháp. Việc quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp chỉ hệ thống hóa, khái quát thẩm quyền của Tòa án đang thực hiện.
Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cơ bản tán thành nội dung quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp đã được tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 1 Điều 3”, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định nội dung này như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, về “quyền giải thích áp dụng pháp luật... trong xét xử” quy định trong nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, quá trình xét xử và ra phán quyết, Tòa án có trách nhiệm giải thích căn cứ áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án để giải quyết vụ án, vụ việc cụ thể. Giải thích căn cứ áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định thuộc về nội dung quyền xét xử, giải quyết vụ việc của Tòa án, nên không cần thiết quy định trong khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật, mà cần chỉnh lý lại cho chính xác và quy định nội dung này trong nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án tại khoản 2 Điều 3 (“Giải thích căn cứ áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án”). Dự thảo Luật đã được tiếp thu theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: trong nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp “không quy định “quyền giải thích áp dụng pháp luật... trong xét xử” mà rà soát, chỉnh lý lại để quy định nội dung này tại khoản 2 Điều 3”. Tòa án nhân dân tối cao cũng tán thành với hướng tiếp thu, chỉnh lý này.