Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan, địa phương để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn phục vụ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 30 (tháng 02/2024) và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để tiếp tục xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương, 65 điều, về cơ bản đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật là kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ.
Qua thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia tại Điều 38- đây là một nội dung hết sức cần thiết và quan trọng để vừa giúp quản lý chặt chẽ, vừa sử dụng quản lý có hiệu quả các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.
Quan tâm đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bình Phước Phan Viết Lượng cho biết, tại Khoản 5 Điều 38 trình Hội nghị lần này quy định: Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật này; trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Theo đại biểu Phan Viết Lượng, quy định này có thể hiểu là việc quản lý, bảo vệ, phát huy giái trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia được thực hiện ở cả hai Luật (Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa). Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự tường minh, chính xác, có thể gây chồng chéo, chưa thống nhất, vướng mắc trong thực hiện.
Đại biểu Ví dụ Điều 24 của Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định về thẩm quyền của các chủ thể mang tài liệu lưu trữ ra ngoài hiện hành, lưu trữ lịch sử, trong đó có điểm b Khoản 2 quy định: Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định việc mang tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương ra ngoài; điểm c quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc mang tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở địa phương ra nước ngoài; tại Khoản 3 quy định Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định việc mang tài liệu của ngành mình ra ngoài lưu trữ để sử dụng trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, dự thảo Luật này cũng không quy định cụ thể riêng về việc tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ra nước ngoài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bình Phước Phan Viết Lượng
Trong khi đó tại Khoản 2 Điều 44 của Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài. Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, với quy định như trên, việc đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia ra nước ngoài, nếu thực hiện ở cả hai luật là chưa phù hợp.
“Sắp tới, Luật Di sản văn hóa sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, trong đó cũng sẽ sửa đổi các quy định liên quan tới bảo vệ, phát huy bảo vật quốc gia. Do vậy, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, cần rà soát và quy định rõ hơn về biện pháp, thẩm quyền quản lý bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia.”, đại biểu Phan Viết Lượng nêu quan điểm.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ hơn khi nào, với nội dung và biện pháp nào thì áp dụng cả hai Luật và khi nào thì chỉ áp dụng Luật Di sản văn hóa mà không áp dụng Luật Lưu trữ (sửa đổi) để đảm bảo tính tường minh, thống nhất, đễ áp dụng hơn.
Đồng quan điểm đối về nội dung này, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, vẫn còn sự chồng chéo về nội dung liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt giữa Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa. Do vậy, cần thiết phải rà soát lại để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa quy định của hai Luật này. “Chính phủ cũng đang xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nhất thiết cần phải rà soát song song đồng thời hai Luật này để tránh chồng chéo và mâu thuẫn”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này cũng cần chỉnh sửa các thuật ngữ cho phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành. Theo đó, sửa đổi từ “trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa…” thành “trường hợp được công nhận, ghi danh là tư liệu di sản thế giới hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa…”.
“Bởi với bảo vật quốc gia thì việc công nhận và thẩm quyền công nhận là của Thủ tướng Chính phủ; còn với di sản tư liệu, di sản phi vật thể là “ghi danh” và không dùng “ghi danh” cho bảo vật quốc gia”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, về trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ tại Điều 39, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn để tránh nhầm lẫn./.