ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT - GÓP PHẦN NÂNG CAO VỊ THẾ VÀ VAI TRÒ CƠ QUAN DÂN CỬ TẠI ĐỊA PHƯƠNG

23/03/2024

Giám sát là một rong những chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND). Trên cơ sở các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và mới đây là Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của HĐND các cấp ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của cơ quan dân cử tại địa phương.

GÓC NHÌN: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hoạt động giám sát của HĐND các cấp ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Theo Điều 113 Hiến pháp năm 2013, HĐND có hai chức năng cơ bản: “Quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND”. Thực hiện tốt chức năng giám sát là một trong những yêu cầu cơ bản để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Hiệu quả hoạt động của HĐND được quyết định bởi kết quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và mỗi đại biểu HĐND.

Từ thực tiễn tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của HĐND; đồng thời, tuân thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh và giữ mối quan hệ chặt chẽ với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát và có báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh cuối năm 2021;

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam, trong các năm 2022, 2023 Thường trực HĐND đã tổ chức hoạt động giám sát, chất lượng không ngừng được nâng lên, từ đó góp phần nâng cao vị thế và vai trò của cơ quan dân cử, tạo được niềm tin của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân

Chia sẻ về kết quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân nêu rõ, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026, cơ cấu đại biểu của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có những thay đổi tích cực theo hướng vừa bảo đảm cơ cấu, thành phần, vừa coi trọng tiêu chuẩn đại biểu. Hiện nay, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế có 50 đại biểu, trong đó, có 08 đại biểu hoạt động chuyên trách, chiếm tỷ lệ 16%. Các đại biểu đều bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, học vấn, năng lực, uy tín, phẩm chất chính trị, từng bước giảm số lượng đại biểu đang công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước và tăng số lượng đại biểu làm việc ở các cơ quan thuộc khối đảng, đoàn thể, mặt trận (có 30 đại biểu có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 58,82%; 20 đại biểu có trình độ đại học chiếm tỷ lệ 39,22%,...). Trong quá trình hoạt động, về cơ bản các đại biểu đều tham gia đầy đủ hoạt động của HĐND; nhiều đại biểu đã phát huy tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực tham gia 16 Đoàn giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, như: Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp giai đoạn 2016-2021; về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh,.... Một số đại biểu đã tích cực tham gia hoạt động chất vấn và kiên trì theo đuổi vấn đề đã chất vấn đến khi có kết quả, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh trong hoạt động dân cử. Từ năm 2016 đến nay, tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh đã có 77 lượt đại biểu với 116 câu hỏi chất vấn đặt ra cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể, được cử tri và đại biểu HĐND quan tâm liên quan đến kinh tế, an sinh xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của đại biểu HĐND bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

 “Những kết quả tích cực trong hoạt động của đại biểu HĐND đã góp phần quan trọng để HĐND tỉnh trong thời gian qua thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cử tri giao phó, ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương,…”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng

Vui mừng trước những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát tại địa phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng nhấn mạnh, giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của HĐND đã được Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định. Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng, hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay chất lượng không ngừng được nâng lên, từ đó góp phần nâng cao vị thế và vai trò của cơ quan dân cử, tạo được niềm tin đối với cử tri và Nhân dân. Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND được thực hiện chủ yếu trên cơ sở Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền

Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động giám sát, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền cho biết, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (có hiệu lực và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được ban hành thì hoạt động giám sát của HĐND các cấp được quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quy trình, nguyên tắc, trình tự, thẩm quyền... trong hoạt động giám sát.

Những năm qua, HĐND các cấp tỉnh Lào Cai thực hiện tốt “Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn” (Các Điều: 17, 24, 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015).  Việc thực hiện các hoạt động giám sát của HĐND là sự thể hiện quyền lực Nhà nước tại địa phương đồng thời là sự thể hiện quyền lực của nhân dân trong nhà nước pháp quyền XHCN.

“Các kiến nghị sau giám sát đã được UBND các cấp và các ngành chức năng tiếp thu, là cơ sở quan trọng để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, hạn chế trong quản lý điều hành phát triển kinh - xã hội, điều chỉnh, hoặc ban hành chính sách mới…”, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền nhấn mạnh.

Từ thực tiễn hoạt động tại địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của HĐND. Theo đó, một trong những giải pháp được kiến nghị là tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để hoạt động giám sát của HĐND để HĐND thực sự xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân./.

Lê Anh

Các bài viết khác