ĐỀ XUẤT BỔ SUNG QUY ĐỊNH DAO CÓ TÍNH SÁT THƯƠNG CAO VÀO NHÓM VŨ KHÍ THÔ SƠ

21/03/2024

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (5/2024). Một trong những điểm mới của dự thảo là đề xuất bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Đây cũng là nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm góp ý tại hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)" do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức.

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều, quy định về quản lý, sử dụng và nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

 Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)" do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức vào sáng 20/3 tại Hà Nội

Về giải thích từ ngữ, Điều 3 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, gồm: Vũ khí; vũ khí quân dụng; súng săn; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao; vật liệu nổ; vật liệu nổ quân dụng; vật liệu nổ công nghiệp; vật liệu nổ công nghiệp mới; tiền chất thuốc nổ; công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kinh doanh, trong đó:

(1) Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

(2) Bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng, trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn thì được xác định là súng săn.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

Quan tâm tới điểm mới này, Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định các loại vũ khí, gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ và các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự. Tuy nhiên, các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, đầy đủ. Cần bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén ga, nén hơi là loại vũ khí có tính sát thương rất cao, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, nhiều vụ đối tượng sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người nguy hiểm như vũ khí quân dụng (một lần bắn có thể chết hoặc bị thương nhiều người); cần thiết bổ sung quy định về khái niệm linh kiện vũ khí.

Về đề xuất quy định “Dao có tính sát tương cao” là vũ khí thô sơ và khi sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng, dự thảo Luật đưa ra khái niệm “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc dao có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao”, đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục chi tiết dao có tính sát thương cao.

Dự thảo Luật cũng quy định 01 điều về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao. Việc dự thảo Luật quy định trên nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng dao, phương tiện tương tự dao vào mục đích trái pháp luật. Đồng thời, việc quy định trên rất đơn giản, không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trong thực tế ngoài thị trường có nhiều loại dao được bán với tư cách là đồ dùng cá nhân (như dao của Thuỵ Sĩ) hoặc các loại dao dùng trong nội trợ gia đình. Trong trường hợp bình thường các loại dao này được dùng đúng với mục đích của nhà sản xuất. Tuy nhiên nếu các đối tượng phạm tội sử dụng các loại dao này để giết người, gây thương tích, gây rối trật tự công công cộng,v.v…thì các loại dao này sẽ trở thành các công cụ gây án,v.v..

Đề xuất bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ (Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm về nội dung này, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân cho rằng, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi các quy định về giải thích thuật ngữ, quản lý, xử lý đối với các loại hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, trong đó có dao có tính sát thương cao.

Nghiên cứu Dự thảo luật, liên quan các quy định về dao có tính sát thương cao, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà kiến nghị còn một số vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ thêm, cụ thể là:

Điểm c khoản 2 Điều 3 quy định vũ khí quân dụng bao gồm: “Vũ khí quy định tại điểm a và b khoản 4 Điều này, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật”. Đồng thời, điểm b khoản 4 Điều 3 quy định vũ khí thô sơ bao gồm “Dao có tính sát thương cao”, trong đó quy định loại trừ hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt, cụ thể là: “Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”. Theo đó, tùy thuộc sử dụng vào mục đích gì mà “Dao có tính sát thương cao” có thể là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ”. Điều này đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết:

Thứ nhất, quy định của Dự thảo luật chỉ loại trừ “hành vi sử dụng” dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt. Mặt khác, cơ sở thực tiễn của sự cần thiết ban hành Luật đã nêu rõ nhu cầu cần thiết xử lý các đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, đặc biệt là hành vi tàng trữ, sử dụng các loại dao (tại trang 5 của Tờ trình Dự thảo luật). Điều này dẫn đến quy định của Dự thảo luật còn khoảng trống khi chưa đề cập đến hành vi “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán” dao có tính sát thương cao.

Thứ hai, Bộ Luật Hình sự hiện hành không chỉ quy định về hành vi sử dụng mà còn nhiều hành vi khác, cụ thể là: Điều 304 - Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và Điều 306 - Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.

Do đó, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà đề xuất bổ sung hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán đối với quy định liên quan dao có tính sát thương cao, cụ thể là:

* Điểm b khoản 4 Điều 2 cần quy định loại trừ dao có tính sát thương cao như sau: “Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.

* Điểm c khoản 2 Điều 3 cần sửa đổi: “Vũ khí quy định tại điểm a và b khoản 4 Điều này, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng được chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoan- Trưởng khoa HC -NN, Học viện Cảnh sát nhân dân

Góp ý về nội dung này, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoan- Trưởng khoa HC -NN, Học viện Cảnh sát nhân dân nêu rõ, đối với quy định về “dao có tính sát thương cao” tại điểm b Khoản 4 dự thảo Luật, nên cân nhắc bổ sung quy định “Dao có tính sát thương cao là loại dao sắc, nhọn khi sử dụng trực tiếp gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người tương tự như vũ khí quân dụng thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, gồm: dao nhọn có kịch thước lưỡi dao từ 20 cm trở lên; dao sắc có kích thước lưỡi dao từ 30 cm trở lên, chiều rộng lưỡi dao 10 cm trở lên, độ dày sống dao 0,5 cm trở lên hoặc dao bấm nhon, dao gấp nhọn, dao gập nhọn hoặc những công cụ, phương tiện sắc nhọn, có kích thước cỡ nhỏ hơn, khác chủng loại nhưng có tính năng tác dụng tương tự, gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người”. Quy định này có tính bao quát hơn, tạo thuận lợi trong công tác giám định và xử lý nghiêm khi các đối tượng sử dụng các công cụ, phương tiện này để thực hiện hành vi trái pháp luật./.

Lê Anh