ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 969 VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH

19/03/2024

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội diễn ra vào sáng 19/3, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề xuất một số giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969 và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình. Trong đó, nhấn mạnh việc lựa chọn nội dung, vấn đề giải trình phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính thời sự gắn với mục tiêu giám sát.

HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT VỀ HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

Cần thiết ban hành Nghị quyết số 969 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình để hoạt động giải trình đi vào nền nếp

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội diễn ra vào sáng 19/3, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo quy định tại Điều 37 và Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, giải trình là một trong những hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong thời gian qua, việc tổ chức hoạt động giải trình vẫn chưa thực sự được coi là phương thức giám sát thường xuyên, chưa có sự cân đối với các hoạt động giám sát và còn nhiều hạn chế như: Số lượng phiên giải trình chưa nhiều; việc xác định tiêu chí lựa chọn nội dung, vấn đề giải trình còn lúng túng; việc tổ chức phiên giải trình có lúc chưa có sự thống nhất về trình tự, cách thức thực hiện, thành phần tham gia, công tác truyền thông; việc phối hợp giải trình đối với vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của các cơ quan Quốc hội còn hạn chế; việc theo dõi, đánh giá thực hiện kết luận phiên giải trình chưa thường xuyên …

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, việc UBTVQH ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình là hết sức cần thiết để hoạt động giải trình đi vào nền nếp theo quy phạm pháp luật, bảo đảm thống nhất và nâng cao tác động của nội dung giải trình, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động giám sát.

Một số khó khăn trong hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc

Đề cập về hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, hoạt động của HĐDT có tính đặc thù, khác với các Ủy ban của Quốc hội, đó là: (1) Luôn gắn với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có nhiều vấn đề cấp thiết, bức xúc, nhiều kiến nghị, mong muốn của đồng bào các dân tộc; (2) Hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc do nhiều bộ, ngành tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện, mặc dù không ngừng được hoàn thiện nhưng vẫn bị phân tán, thiếu đồng bộ, thống nhất.

“Qua rà soát của HĐDT, đến tháng 01/2024, có 98 luật có quy định về dân tộc và vùng đặc thù, khó khăn, trong đó có 61 luật có quy định cụ thể và đề cập đến DTTS; có trên 250 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, trong đó có 125 văn bản có quy định chính sách dân tộc. Đây là những khó khăn đối với HĐDT trong việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát nói chung và nội dung, đối tượng giải trình nói riêng”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chia sẻ.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong các nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động giải trình của HĐDT đã bám sát, thực hiện theo quy định của Luật. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, HĐDT đã thực hiện 02 phiên giải trình: (1) Kết quả thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (2) Việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đây là những vấn đề được đồng bào các dân tộc quan tâm.

Kết quả các phiên giải trình đã mang lại hiệu quả thiết thực; qua giải trình, nhiều đề xuất, kiến nghị của HĐDT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu, điều chỉnh trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng chỉ rõ số lượng phiên giải trình của HĐDT còn ít, việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện kết luận sau giải trình chưa được quan tâm đúng mức; đối tượng mời tham dự phiên giải trình chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chính sách, chưa có đối tượng thụ hưởng chính sách; vẫn còn ít ý kiến chất vấn, phản biện sâu sắc… HĐDT xác định đây là các hạn chế phải khắc phục kịp thời trong thời gian tới.

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, HĐDT sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung, công việc như sau

Thứ nhất, việc lựa chọn nội dung/vấn đề giải trình phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính thời sự gắn với mục tiêu giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc theo các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu kết quả các cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề; vấn đề/vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn được nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận, cử tri và đồng bào các dân tộc quan tâm, tập trung lựa chọn những vấn đề có nhiều hạn chế chậm được khắc phục hoặc thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Đại diện Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội tham dự Hội nghị

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu ví dụ như trong quý III năm 2024, HĐDT sẽ tiến hành Phiên giải trình về việc thực hiện phân định miền núi, vùng cao. Đây là nội dung đã được UBTVQH kết luận, đề nghị Chính phủ thực hiện (nêu tại Thông báo số 116/TB-TTKQH ngày 20/8/2021 và Văn bản số 327/TTKQH15-DT ngày 27/10/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, qua nghiên cứu tài liệu Chính phủ gửi, HĐDT nhận thấy kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu để báo cáo với UBTVQH.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung/vấn đề giải trình, nhất là các vấn đề khó, liên quan đến nhiều bộ, ngành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần mở rộng thành phần, mời tham dự Phiên giải trình các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực dân tộc và các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, để có cái nhìn tổng thể, toàn diện vấn đề giải trình từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau; trường hợp nếu vấn đề giải trình có liên quan đến các Ủy ban của Quốc hội, trước khi tổ chức Phiên giải trình cần tham vấn để tranh thủ ý kiến, tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Thứ ba, chủ động rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về lĩnh vực dân tộc; thường xuyên cập nhật các văn bản mới và văn bản hết hiệu lực để hệ thống đầy đủ, kịp thời các quy định của chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc. Nghiên cứu sâu để làm rõ những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định gắn với xác định trách nhiệm của các bộ, ngành tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện.

Khi lựa chọn được nội dung/vấn đề giải trình, Thường trực HĐDT trích dẫn các nội dung quy định gửi đến các thành viên, chuyên gia tham gia Phiên giải trình nghiên cứu. Trường hợp cần thiết, Thường trực HĐDT tổ chức họp để hướng dẫn, trao đổi giúp các thành viên nắm rõ, từ đó chuẩn bị các câu hỏi gọn rõ, tranh luận sâu sắc, có chất lượng, đúng nội dung yêu cầu giải trình.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ tư, nghiên cứu kỹ nội dung quy định của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15, phổ biến, quán triệt đến các thành viên của HĐDT và Vụ chuyên môn giúp việc để thống nhất về nhận thức, nắm rõ nội dung quy định; trên cơ sở đó cụ thể hóa, áp dụng phù hợp đặc thù hoạt động của HĐDT, nhất là việc mẫu hóa các thủ tục theo các trình tự thực hiện của Nghị quyết (như: lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình, kết luận phiên giải trình…) để các thủ tục bảo đảm đúng quy định, chặt chẽ, thống nhất, tránh làm phát sinh các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ năm, quan tâm hơn và làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi, kịp thời về nội dung, kết luận giải trình; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là Báo Đại biểu nhân dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Truyền hình Dân tộc (VTV5)… trong việc: cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn, mời tham dự, đưa tin việc HĐDT tổ chức phiên giải trình, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận vấn đề giải trình để tăng cường nhận thức chung và đề cao trách nhiệm thực hiện của tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung giải trình./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác