GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG LÀ CƠ SỞ QUAN TRỌNG ĐỂ PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP

12/03/2024

Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông diễn ra trong thời điểm Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giám sát, thể hiện rõ vai trò giám sát đồng hành cùng với quá trình xây dựng luật, mà còn giúp hoạt động giám sát đi đến cùng vấn đề để kiến tạo và phát triển.

CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUY TRÌNH GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” họp Phiên thứ nhất

Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” là một trong hai chuyên đề Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ tiến hành giám sát trong năm 2024.

Đây là chuyên đề giám sát quan trọng vì được Đảng, Nhà nước coi là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, tài sản của tổ chức, cá nhân. Chuyên đề có nội dung giám sát rộng trên cả 5 lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải); thời gian dài (15 năm); đối tượng giám sát nhiều.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024 Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, tại Kế hoạch số 673/KH-ĐGS, Đoàn giám xây dựng kế hoạch chi tiết giám sát, để đến giữa tháng 5/2024 hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ và báo cáo kết quả giám sát bước đầu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Đây là việc làm quan trọng, có thêm thông tin hữu ích giúp đại biểu Quốc hội tham khảo, cho ý kiến đóng góp hoàn thiện luật trước khi thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tiếp đó, Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát; dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại Phiên họp tháng 9/2024.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Quan tâm đến chuyên đề giám sát này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá cao Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng Kế hoạch số 673/KH-ĐGS, trong đó thực hiện giám sát đối với 5 lĩnh vực giao thông để thấy được bức tranh toàn diện, là dữ liệu quan trọng, từ đó đề xuất các giải pháp tổng thể về lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến dự án luật: dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc ưu tiên giám sát lĩnh vực giao thông đường bộ để có báo cáo bước đầu tại Kỳ họp thứ 7 là cần thiết, giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, dữ liệu xem xét, thảo luận trước khi thông qua luật đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Như vậy, chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” không chỉ mang ý nghĩa là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực đó như thế nào, mà quan trọng nữa là trong quá trình giám sát sẽ phát hiện những khó khăn, bất cập, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn. Kết quả giám sát đó cũng sẽ bổ trợ cho quá trình xây dựng luật pháp, bởi đối với hai dự án luật liên quan đến giao thông sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 7, dự kiến vào tháng 5/2024. Kết quả bước đầu của cuộc giám sát có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng pháp luật, như vậy chất lượng luật được thông qua sẽ được nâng cao rất nhiều.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, điểm mới của chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là giám sát đồng hành cùng với xây dựng pháp luật. Quốc hội đang trong thời điểm thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giám sát, mà còn giúp hoạt động giám sát đi đến cùng vấn đề để kiến tạo và phát triển.

Theo đại biểu, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có rất nhiều đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, quá trình lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng đều được bổ trợ cho nhau, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Quốc hội. Hoạt động giám sát, năm 2023, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV từng bước đổi mới, nâng cao, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: “Giám sát để kiến tạo và phát triển”.

Năm 2023 đặc biệt là năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức kế hoạch triển khai trên phạm vi toàn quốc về hoạt động giám sát và điểm mới đó là không chỉ giám sát những vấn đề đã được Quốc hội thông qua trong các nghị quyết, mà giám sát ngay quá trình tổ chức triển khai thực hiện, là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình lập pháp, quá trình xem xét, thẩm tra các dự án luật.

“Tôi cho rằng đây là cơ sở rất quan trọng, ngoài việc cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra các dự án luật có báo cáo đánh giá tác động, cũng như là báo cáo thực hiện tổng kết thực hiện luật đó; đồng hành với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề tối cao trên phạm vi rộng. Phạm vi giám sát rộng sẽ giúp cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội có cơ sở nhìn nhận, đánh giá và cho ý kiến khi tham gia dự án luật”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng

Đồng hành với hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ tập trung vào quá trình xây dựng luật pháp và quyết định các vấn đề quan trọng, trong đó có một điều rất quan trọng trong hoạt động giám sát đó là lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua việc sửa đổi các luật và hoạt động giám sát và lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra đánh giá một cách toàn diện hơn và các luật khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Ngoài mục tiêu giám sát để phục vụ cho dự án luật, việc giám sát ngay những nghị quyết mang tính chất đặc thù như chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” và các Chương trình mục tiêu quốc gia khi các Nghị quyết này đang tổ chức triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Bởi giám sát không phải chờ đến giữa kỳ, giữa nhiệm kỳ hoặc cuối nhiệm kỳ, mà giám sát thường xuyên, giám sát hàng năm để Chính phủ có sửa đổi kịp thời, nhằm đưa chính sách vào cuộc sống một nhanh và hiệu quả hơn.

Lan Hương

Các bài viết khác