SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT CÔNG CHỨNG: BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

12/03/2024

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới đây. Quan tâm góp ý dự thảo luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhấn mạnh sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách công chứng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời kiến nghị rà soát một số quy định cho phù hợp với thực tiễn.

SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: CẦN PHÂN BIỆT RÕ QUY ĐỊNH TUỔI BỔ NHIỆM VÀ TUỔI HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN

Dự kiến trình Quốc hội khóa XV dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7

Sửa đổi toàn diện Luật Công chứng là cần thiết

Sau hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng đã có nhiều bước tiến mới, cụ thể: Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển; Chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao , quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp;…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; Chất lượng đội ngũ Công chứng viên còn chưa đồng đều; một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho công chứng viên trong quá trình thực hiện vừa không tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp;… Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi Luật Công chứng. Hiện nay, dự thảo Luật được đăng tải công khai lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đồng thời tham vấn ý kiến các chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động nhằm tiếp tục hoàn thiện dự luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới đây.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Công chứng

Nghiên cứu dự thảo Công chứng (sửa đổi), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến tán thành với việc sớm sửa đổi Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách công chứng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về công chứng và thực tiễn thực hiện trong những năm qua.

Rà soát, hoàn thiện một số quy định tại Dự thảo đảm bảo phù hợp, khả thi

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyếnkiến nghị  ơ quan soạn thảo cân nhắc, rà soát các quy định liên quan đến: Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng; Thời hạn bổ nhiệm công chứng viên; Nghĩa vụ của công chứng viên; Nhận lưu giữ di chúc;… Cụ thể:

Về tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng: Điều 6 của dự thảo Luật quy định “Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt”.

Tại khoản 3 Điều 47 của dự thảo quy định “Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch”. Việc quy định như dự thảo luật, có thể hiểu là trong mọi trường hợp hoạt động công chứng chỉ sử dụng tiếng nói, chữ viết bằng tiếng việt; nếu có người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng việt thì phải có người phiên dịch. Việc quy định như vậy chưa thể hiện rõ chính sách của Nhà nước ta về sử dụng tiếng nói, chữ viết của 53 dân tộc thiểu số mà quy định tại khoản 3 Điều 5 của Hiến pháp 2013 là “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.”

Mặt khác, Khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: thực hiện công chứng cho cả cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng giao dịch theo quy định của Luật này.

Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại Điều 6 của dự thảo luật theo hướng sử dụng tiếng nói, chữ viết bằng tiếng Việt trong hoạt động công chứng; đồng thời đề nghị cần đề cao việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của cá nhân, tổ chức thuộc các dân tộc thiểu số khi yêu cầu công chứng, bao gồm sử dụng phiên dịch và sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong trường hợp công chứng viên là người dân tộc thiểu số thông thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc nhiều quốc gia khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, thì cần quy định cụ thể hơn việc sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động công chứng khi các cá nhân, tổ chức nước ngoài yêu cầu công chứng.

 Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến 

Về thời hạn bổ nhiệm công chứng viên: Đoạn 2 khoản 3, Điều 11 của Dự thảo luật quy định “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm”.

Về cơ bản, quy định về thời hạn 15 ngày để Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc thời hạn nêu trên lại bao gồm cả thời gian nghỉ tết nguyên đán có khi kéo dài tới 8 - 9 ngày hoặc dịp nghỉ lễ dài ngày, bao gồm cả thứ 7 và chủ nhật thì khó bảo đảm thời gian để thực hiện quy trình xem xét, bổ nhiệm công chứng viên. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc lại thời hạn nêu trên.

 Về nghĩa vụ của công chứng viên: Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại một số nghĩa vụ nêu tại khoản 2 thành quyền của Công chứng viên để hợp lý hơn, cụ thể là:

 (1) Điểm c khoản 2 quy định Công chứng viên có nghĩa vụ “Gia nhập Hội công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó;”: Quy định nghĩa vụ của Công chứng viên gia nhập Hội công chứng nêu trên của dự thảo luật là không phù hợp với quy định tại Điều 25 của Hiến pháp là “Công dân có quyền tự do ……. hội họp, lập hội,…”. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo chuyển nội dung điểm c này lên khoản 1 Điều 16 của dự thảo luật và sửa lại thành quyền của Công chứng viên gia nhập Hội công chứng ở địa phương ….”

 (2) Điểm e khoản 2 Điều 16 quy định Công chứng viên có nghĩa vụ “Từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định của Luật này; giải thích rõ lý do từ chối công chứng”:  Đề nghị Cơ quan soạn thảo chuyển điểm e nêu trên lên khoản 1 Điều 16 của dự thảo luật và sửa nghĩa vụ thành quyền của Công chứng viên từ chối công chứng ….., thì hợp lý hơn, chính xác hơn.

Về Công chứng viên tự rút khỏi Văn phòng công chứng: Quy định tại khoản 2 của Điều 27 như Dự thảo luật sẽ dẫn đến làm mất quyền của các công chứng viên hợp danh về rút vốn khỏi Văn phòng công chứng khi mà Văn phòng chỉ còn dưới 4 công chứng viên, vì khi đó chỉ còn không quá 3 công chứng viên hợp danh, nên không thể thực hiện được quy định điều kiện phâỉ được ít nhất ba phần tư tổng số công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng chấp thuận bằng văn bản…. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại quy định nêu trên để bảo đảm quyền được rút vốn bình đẳng, công băng của các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng.

Đối với nhận lưu giữ di chúc: Đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn, trường hợp tổ chức hành nghề công chứng mà không liên hệ được với người lập di chúc để thỏa thuận về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc thì xử lý thế nào, vì thực tế có một số người sau khi lập di chúc và giao cho tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ thì họ có thể chuyển nơi khác ở, hoặc đi nước ngoài, v v .... Đồng thời, quy định cụ thể việc tổ chức hành nghề công chứng được quyền thu một phần phí lưu giữ di chúc tương ứng với thời gian đã lưu giữ; việc chịu trách nhiệm về làm mất, hỏng bản di chúc...

Đối với quản lý nhà nước về công chứng: Đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau: Khoản 1, Điều 71 chỉ quy định cơ quan quản lý nhà nước ban hành văn bản pháp luật về công chứng là chưa đầy đủ, vì ngoài cơ quan quản lý thì còn có cơ quan dân cử như Quốc hội ban hành luật công chứng (sửa đổi). Mặt khác, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì trong đó đã bao gồm ban hành các chính sách. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại khoản 1 Điều 71 như sau: “1. Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật”

 Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc khoản 6 Điều 71 “Các nội dung quản lý khác theo quy định của Luật này”, vì không rõ các nội dung quản lý khác là nội dung quản lý về vấn đề gì. Tham khảo nhiều luật đã ban hành, thì Điều luật quy định về các nội dung quản lý nhà nước đều quy định cụ thể về các công việc phải thực hiện, thể hiện tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho việc thực hiện. Trường hợp giữ như dự thảo thì phải quy định rõ dẫn chiếu thực hiện nội dung quản lý nhà nước ở điều khoản nào của Luật này./.

Lê Anh

Các bài viết khác