TRIỂN KHAI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG NĂM 2024: TỔ CHỨC TÍN DỤNG CÓ QUYỀN XỬ LÝ NỢ, TÀI SẢN BẢO ĐẢM THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

11/03/2024

Về một số lo ngại khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 không luật hóa quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về việc thu giữ tài sản đảm bảo liệu có tác động không tốt đến quá trình xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm theo hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật.

NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG 2024

Theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm theo hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Luật các Tổ chức tín dụng đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thành toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…. Luật cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 nhưng không luật hóa tại Luật các Tổ chức tín dụng, đảm bảo quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.

Về một số lo ngại khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 không luật hóa quy định về việc thu giữ tài sản đảm bảo liệu có tác động không tốt đến quá trình xử lý nợ xấu, nhất là khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, ông Đoàn Thái Sơn cho biết, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 42 đã tạo hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, nhờ Nghị quyết này, ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên rất cao.

Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 cho thấy, Nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn 

Trong quá trịnh sửa đổi luật, Chính phủ đề xuất luật hóa quy định về tài sản bảo đảm tại Nghị định 42 vào Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024, tuy nhiên trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Chính phủ cũng đã thống nhất không luật hóa quy định này về tài sản bảo đảm. Do đó, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm theo hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua, bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Điều 103).

“Để đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực khi thực thi luật, các tổ chức tín dụng cần làm tốt hơn khâu thẩm định, quy định về thỏa thuận hợp đồng, tranh tụng tại tòa về tranh chấp liên quan đến giao tài sản bảo đảm”, Phó Thông đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.

Khoản 15 Điều 210 Luật các Tổ chức tín dụng quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15.”

Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền vay

Theo quy định trên, một số ý kiến băn khoăn luật quy định chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản đảm bảo thu hồi nợ thực hiện theo pháp luật về bất động sản và pháp luật có liên quan nhưng chỉ cắt giảm điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản không cần là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản mà không cắt giảm điều kiện của dự án. Theo đó, trường hợp chuyển nhượng dự án để thu hồi nợ vẫn phải được phê duyệt quy hoạch chi tiết và phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và có nghĩa vụ tài chính về đất đai. Có ý kiến lo ngại quy định này làm giảm nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng vào bất động sản do tâm lý siết chặt điều kiện cho vay và chỉ giải ngân khi dự án đã đủ điều kiện chuyển nhượng.

Thông tin thêm về ý kiến này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, khoản 3 Điều 200 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản.”

Quy định tại khoản 15 Điều 210 và khoản 3 Điều 200 cho thấy, đối với các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm trước ngày Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực sẽ được phép thực hiện, kế thừa theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; còn từ ngày Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, nội dung này đã được quy định chặt chẽ trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.

“Cách tiếp cận đó là đối với tài sản bảo đảm trước ngày có hiệu lực sẽ xử lý theo khoản 15 Điều 210; đối với sau thời điểm Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực sẽ áp dụng chung, tức là ở thời điểm hiện tại tất cả các bên liên quan, gồm doanh nghiệp và ngân hàng đều rất rõ quan điểm. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi tổ chức tín dụng phải thay đổi cách thức cho vay, không có quy định nào hạn chế, không được nhận tài sản bảo đảm là dự án bất động sản không đủ điều kiện chuyển nhượng. Khi nhận tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng phải quản lý dòng tiền để đảm bảo tiền vay giải ngân đúng, để đảm bảo sau khi giải ngân xong, trường hợp khách hàng không trả được nợ có đủ điều kiện chuyển quyền sở hữu, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền vay”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn nêu rõ.

Lan Hương

Các bài viết khác