BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG: TÍCH CỰC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, TẬP HUẤN LUẬT ĐẤT ĐAI, LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

07/03/2024

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, để các chính sách, quy định của luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ TN&MT đã chủ động xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước. Trong đó tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/3: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, năm 2023, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung cao độ xây dựng, hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền các dự án Luật quan trọng.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (Luật số 28/2023/QH15). Đây là đạo luật với nhiều điểm mới, bước tiến lớn trong phương thức quản trị hiệu quả, bền vững tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; thay đổi tư duy, phương thức quản trị, quản lý tổng hợp, thống nhất, bằng công cụ kinh tế trên nền tảng công nghệ số và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Đặc biệt, ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Sau khi Luật được ban hành thì công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả. Bởi vậy, đầu tiên là xác định rõ các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành và nâng cao nhận thức về luật và trách nhiệm của các cấp, các ngành, và địa phương trong việc thi hành luật. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành 02 đạo luật nêu trên, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây: 

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.

Đối với Luật Tài nguyên nước, theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 05 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước gồm 02 Nghị định và 03 Thông tư. Bộ đã khẩn trương xây dựng các văn bản này theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và đã gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Đối với các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Bộ cũng đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư, dự kiến Bộ sẽ ban hành các Thông tư này trong tháng 5 năm 2024.

Đối với Luật Đất đai, theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 06 Nghị định và 04 Thông tư, Bộ Tài chính được phân công chủ trì soạn thảo 03 văn bản gồm 02 Nghị định và 01 Thông tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công chủ trì soạn thảo 01 Nghị định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được phân công chủ trì soạn thảo 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ được phân công chủ trì soạn thảo 01 Thông tư. Hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương xây dựng theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 5/2024, riêng đối với Nghị định về hoạt động lấn biển sẽ được trình trong tháng 3/2024 theo trình tự thủ tục rút gọn để có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024.

Các đại biểu tham dự Hội nghị 

Thứ hai, về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, ngay sau khi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương cung cấp các điểm mới, những nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước để phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương trong việc tuyền truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước bằng nhiều hình thức phù hợp. Đặc biệt, ngày 06/3/2024, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất dai, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước với nhiều hình thức đến người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai để các chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai được phổ biến sâu rộng trong Nhân dân; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về đất đai đến các hội viên.

Thứ ba, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước; rà soát, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị 

Thứ tư, triển khai các đề án thí điểm. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng 02 đề án thí điểm gồm: Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác (thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội) và Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy; giảm thiểu ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê (thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ) để trình cấp có thẩm quyền sớm nhất đảm bảo theo tiến độ.

Thứ năm, một số nội dung trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2024 như tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố; xây dựng Kịch bản nguồn nước; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc và triển khai thực hiện Đề án thí điểm phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết”.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác