ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA: KỲ VỌNG XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỰ CHỦ, NĂNG ĐỘNG VÀ SÁNG TẠO

29/02/2024

Nhận định về tình hình thực hiện và triển vọng của ngành giáo dục, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục bày tỏ kỳ vọng về sự khởi sắc của tự chủ đại học, hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường đại học tự chủ, năng động và sáng tạo.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÓ VAI TRÒ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm cần hướng tới mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Tại các diễn đàn Quốc hội, lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề giáo dục đại học nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, trở thành một điểm nóng thảo luận trong mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian qua, giáo dục đại học đã đạt được những thành công nhất định, đáng ghi nhận. Một trong những nhiệm vụ cụ thể, quan trọng tiếp theo là Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan tâm nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là quy hoạch ngành quốc gia, có nhiệm vụ hết sức quan trọng, tác động trực tiếp tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao bảo đảm yêu cầu về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Mục đích của việc lập quy hoạch là sắp xếp, phân bố không gian phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm theo một cách tối ưu nhằm giải quyết những bất cập của mạng lưới hiện nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển trong nhiều năm tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Vì ý nghĩa đó, đại biểu cho rằng việc xây dựng Quy hoạch cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, thận trọng, hướng tới mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tăng quy mô gắn với điều chỉnh cân đối về cơ cấu đào tạo, ưu tiên nâng cao chất lượng, trong đó quan tâm làm rõ nhu cầu và giải pháp phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành khoa học cơ bản, cốt lõi, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cần sắp xếp, phân bố không gian phát triển các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm (bao gồm cả cao đẳng sư phạm) bảo đảm tinh gọn, hợp lý, đồng bộ với Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; chú trọng liên kết mạng lưới trong - ngoài/ngang - dọc/trong không gian thực và trên không gian số; phát triển hệ thống cơ sở đại học, bao gồm đại học quốc gia/đại học vùng, tiểu vùng/cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt phát triển toàn hệ thống theo vùng, ngành, lĩnh vực.

Trong điều kiện ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, quy hoạch cần được tính toán một cách kỹ lưỡng để bảo đảm đầu tư nguồn lực công một cách hợp lý, hiệu quả; khuyến khích xã hội hoá, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học tư thục chất lượng cao.

Đối với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo ngành sư phạm, dự thảo định hướng quy mô phát triển trong hệ thống gồm 3/5 đại học quốc gia (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng); 3/5 đại học vùng (Thái Nguyên, Vinh, Tây Nguyên), 2/18 cơ sở đại học trọng điểm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, theo đại biểu, cả khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ chỉ có 1 cơ sở đào tạo sư phạm trọng điểm là Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thì khó đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.

Đại biểu kiến nghị, cần bổ sung thêm 1 cơ sở trọng điểm nữa, chẳng hạn như Trường Đại học Đồng Tháp - đại diện cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (đây cũng là cơ sở đào tạo có thế mạnh và truyền thống đào tạo giáo viên, quy mô tuyển sinh hàng năm khá lớn, đầy đủ các ngành học đáp ứng chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông mới).

Kỳ vọng vào sự khởi sắc của tự chủ đại học

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đến nay, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về lượng và chất. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, vẫn cần thiết xây dựng một nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ. 

Đối với vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đề xuất xây dựng một nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ chính là ý tưởng của đại diện một số cơ sở giáo dục đại học thể hiện trên một số diễn đàn gần đây. Ý tưởng ấy xuất phát từ thực tiễn những năm qua, khi tự chủ đại học luôn là một giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa tạo động lực cho giáo dục đại học phát triển.

Việc thực hiện tự chủ đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi một số điều năm 2018) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Vấn đề tài chính đại học còn được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tự chủ đại học được phát huy, nhiều chính sách phù hợp đã được ban hành, có tính dẫn dắt, định hướng trong các cơ sở; tạo động lực cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai tự chủ đại học hiện nay còn nhiều bất cập do nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất về mô hình tự chủ, phân cấp, phân quyền trong quản lý đối với các cơ sở giáo dục đại học; cách tiếp cận đồng nhất tự chủ đại học với tự chủ tài chính là rào cản, hạn chế đầu tư công đối với giáo dục đại học.

Vì vậy, đại biểu hoàn toàn chia sẻ với ý kiến đề xuất xây dựng một nghị định riêng cho tự chủ đại học. Nhưng để nghị định có tính khả thi, phát huy hiệu quả, hiệu lực cao nhất thì cần tổ chức tổng kết thực tiễn làm căn cứ lập đề nghị, xây dựng nghị định đúng quy trình, xác định chính sách phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách dự kiến được đưa vào nghị định, làm cho nghị định (nếu được ban hành) sẽ sát thực tế, bảo đảm tính khả thi.

Trước mắt, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đây là cơ hội để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc thực hiện phân cấp quản lý, tăng cường tự chủ đại học; tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, do vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những chính sách lớn, mang tính đột phá dành cho lĩnh vực giáo dục đại học.

Đó là sự kỳ vọng về những chính sách tạo chuyển biến lớn về quy mô, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Kỳ vọng về sự chuyển dịch mạnh mẽ, hợp lý về cơ cấu ngành nghề đào tạo, trong đó, mở rộng quy mô đào tạo các ngành mới, nhập cuộc nhanh vào đường đua cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ Cách mạng 4.0. Kỳ vọng về sự khởi sắc của tự chủ đại học, hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường đại học tự chủ, năng động và sáng tạo; có lộ trình nâng dần tỉ trọng ngân sách chi cho giáo dục đại học tính trên GDP đạt mức trung bình của các nước trong khu vực.

Minh Hùng

Các bài viết khác