TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN DƯƠNG THANH BÌNH CHỦ TRÌ TRÌ PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC TỔ CHỨC TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐBQH
Ngày 23/1, tại Nhà Quốc hội, Ban Soạn thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã tổ chức phiên họp thứ Nhất nhằm trao đổi, thảo luận về kế hoạch xây dựng Nghị quyết, đề cương chi tiết và một số nội dung triển khai thực hiện. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.
Theo Ban soạn thảo, thực hiện Nghị quyết số 674/NQ-UBTVQH15 ngày 26/12/2022 về chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở kết quả tổng kết của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành và Báo cáo tổng kết của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và xây dựng Báo cáo chung về kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết số 525) về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, kết quả cho thấy, về mặt nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì phiên họp.
Tuy nhiên, trong quá trình tổng kết công tác tiếp xúc cử tri của ĐBQH đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên nhiều phương diện như việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, Đoàn ĐBQH chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị.
Việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu; thông tin chuyển tải đển cử tri thiếu sinh động, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri; chưa có nhiều gợi mở nội dung để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng.
Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH tại nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố nơi đại biểu ứng cử, trên thực tế còn hạn chế. Hiệu quả tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc chưa rõ ràng nên ít được ĐBQH quan tâm thực hiện, thường được lồng ghép với các nội dung khác...
Tại phiên họp, một trong những vấn đề được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến đó là trách nhiệm và chế tài cụ thể đối với các Đại biểu Quốc hội chưa thực hiện nghiêm công tác tiếp xúc cử tri.
Bà Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH tại nơi cư trú, nơi làm việc đã được quy định rõ tại Nghị quyết số 525 nhưng thực tế chưa thực tế vấn đề này còn nhiều hạn chế. Bà Phạm Thị Hồng bày tỏ băn khoăn khi xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội có nên thể hiện rõ nội dung này hay không?
Làm rõ nội dung này, Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập cho rằng Nghị quyết cần có quy định trách nhiệm của ĐBQH trong việc tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc. Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nhấn mạnh, ĐBQH là do cử tri bầu ra, được sự ủy thác của cử tri và Nhân dân, do đó đại biểu phải có trách nhiệm trước cử tri, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và truyền đạt tới cơ quan chức năng, giám sát việc thực hiện kiến nghị cử cử tri.
Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng Nghị quyết.
Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra một số các quy định mang tính đơn lẻ, một số đại biểu còn cho rằng Nghị quyết cần phải dành hẳn một mục lớn để quy định đầy đủ về vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan – thành viên Ban Soạn thảo nhấn mạnh, ĐBQH phải gắn trách nhiệm của mình trong về việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệm của ĐBQH trong giải quyết kiến nghị của cử tri, qua đó thể hiện rõ hơn vai trò của ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Trưởng Ban Soạn thảo Nghị quyết kết luận phiên họp.
Kết luận phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Trưởng Ban Soạn thảo cho biết, hiện nay dự thảo mới chỉ dừng lại ở mức đề mục và sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đề nghị tổ soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi đến cơ quan thẩm tra, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp tháng 9/2024./.