Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm: 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.
Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.
Tiếp cận dự án luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan tới tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân; tiếp tục cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quy định của luật và thực tiễn tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp, góp phần hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến góp ý cụ thể vào một số nội dung liên quan đến: Phạm vi sửa đổi; Tên gọi của Tòa án nhân dân phúc thẩm; Thu thập chứng cứ của vụ án;…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, Đại biểu Quốc hội khóa XIII
Về phạm vi sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: Dự thảo Luật lần này được sửa đổi, bổ sung thêm nhiều vấn đề có liên quan đến Tòa án nhân dân; do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động các chính sách mới được đề xuất có liên quan đến sửa đổi, bổ sung về tổ chức, các nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án nhân dân, trên cơ sở đó nghiên cứu, lựa chọn và quy định vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) những vấn đề thực sự cần thiết, đã được làm rõ về mặt lý luận và kiểm chứng qua thực tiễn, nhằm bảo đảm chất lượng dự án luật, phù hợp với thực tiễn và có tính khoa học, tính khả thi cao.
Về phạm vi điều chỉnh: Điều 1 của dự thảo Luật quy định “Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.” Quy định như vậy là chưa đầy đủ và đề nghị bổ sung thêm cụm từ “thực hiện quyền tư pháp” vào Điều 1 và thể hiện như sau: “Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử, thực hiện quyền tư pháp và bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.” để bao quát, đầy đủ các nội dung cơ bản được điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Về Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử vi phạm hành chính: Dự thảo Luật bổ sung thêm nhiệm vụ mới cho Tòa án là chồng chéo với thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đang được giao cho các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định nhiệm vụ mới nêu trên của Tòa án để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các cá nhân, cơ quan hành chính đang được giao giải quyết các vi phạm hành chính.
Về Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo Luật quy định như trên là chồng chéo với nhiệm vụ kiểm tra văn bản của Bộ tư pháp, với nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các cơ quan của Quốc hội và của các cơ quan, cá nhân khác. Mặt khác, nhiệm vụ chính của Tòa án là xét xử, nếu nay quy định thêm nhiệm vụ mới này, thì sẽ tạo thêm áp lực quá tải công việc, thách thức lớn trong việc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành khi áp dụng để xét xử. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định nhiệm vụ, quyền hạn mới nêu trên của tòa án.
Về tên gọi của Tòa án nhân dân phúc thẩm: Đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định nêu trên, vì theo quy định của dự thảo Luật thì vẫn giao cho Tòa án nhân dân phúc thẩm “Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật” (khoản 1 Điều 55 dự thảo Luật), nên gọi là Tòa án nhân dân phúc thẩm thì không chính xác, không thể hiện đúng bản chất thẩm quyền của Tòa án này. Do đó nên lấy tên gọi là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” thì hợp lý và lôgic hơn, và hệ thống của các cấp Tòa án bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sau đó là Tòa án nhân dân sơ thẩm.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về thu thập chứng cứ của vụ án, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, việc quy định như tại dự thảo Luật là không rõ ràng về pháp luật do cơ quan nào sẽ quy định Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; quy định Tòa án sẽ hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ cho vụ việc dân sự, vụ án hành chính như thế nào, hỗ trợ về vấn đề gì trong việc thu thập chứng cứ?.
Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định nêu trên theo hướng Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ cho người yếu thế trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính như quy định hiện hành, vì thực tế có nhiều người yếu thế không có khả năng, điều kiện thu thập chứng cứ cho vụ án…../.