Phòng, chống tham nhũng trong quy trình xây dựng pháp luật là yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nâng cao năng lực phòng, chống tham nhũng qua việc thiết kế chính sách khoa học, minh bạch và vượt qua những tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích” là vấn đề cần quan tâm giải quyết trong giai đoạn hiện nay.
Quan tâm đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho rằng, việc hoàn thiện các quy định về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của các chủ thể khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả thực tiễn nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa các điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong dự thảo, dự án văn bản quy phạm pháp luật; thúc đẩy sự tham gia góp ý, phản biện của các chủ thể nhà nước và xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật... là những đòi hỏi khách quan, tất yếu của công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, bổ sung giải pháp chính sách hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong bộ máy nhà nước để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng chính sách trong điều kiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về kinh tế thị trường chưa hoàn thiện để cụ thể hóa cơ chế “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” theo quy định tại Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 trong tổ chức và hoạt động của bộ máy các cơ quan nhà nước; bổ sung giải pháp chính sách kiểm soát xung đột lợi ích trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa kịp thời một số giải pháp, công cụ chính sách đã được nêu ra nhưng hiện nay chưa được triển khai thực hiện. Đó là các quy định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, minh bạch; trong ban hành quyết định hành chính, cải cách chế độ công vụ, chính sách tiền lương; trong thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm tính độc lập của cơ quan chuyên trách; trong cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách... và một số văn bản chưa được hoàn thành đúng thời hạn yêu cầu như: nghiên cứu kết hợp tổ chức, hoạt động thanh tra với tổ chức và hoạt động kiểm tra của Đảng.
Theo dõi việc kỷ luật, truy tố, xét xử nhiều cán bộ và lãnh đạo cấp cao của nhiều tỉnh thành, bộ ngành và doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, đa số đều vi phạm ở lĩnh vực liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, đất đai, tài sản công, tài chính công, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Điều này cho thấy một thực tế là hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống, nhiều lỗ hổng. Điển hình nhất là những lỗ hổng, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường… Những lỗ hổng pháp luật này vô tình tạo điều kiện cho nhiều đối tượng vẫn có thể tham và dám tham nhũng.
Đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu bày tỏ mong muốn các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án… trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đúc rút ra những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và nhận diện những thủ đoạn tội phạm, những kẽ hở pháp luật ở đâu, sơ hở ở vấn đề quản lý chỗ nào?... từ đó kiến nghị những giải pháp sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt kín những lỗ hổng pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh việc sửa đổi hoàn thiện pháp luật, quan trọng vẫn phải là công tác cán bộ, vẫn là yếu tố con người. Có thể có những sơ hở pháp luật, có thể pháp luật vẫn còn khuyết thiếu, nhưng người cán bộ có phẩm chất tốt, có đạo đức… khi phát hiện ra những vấn đề đó, sẽ đề xuất, kiến nghị sửa đổi, ngược lại người cán bộ mà phẩm chất, đạo đức kém sẽ lợi dụng những thiếu sót, sơ hở pháp luật để trục lợi... Cho nên, cuối cùng thì quan trọng vẫn là công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực quan chức.
Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, xem xét hệ thống các văn bản pháp luật, đặc biệt pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về chất lượng xây dựng pháp luật. Bởi thực tế hệ thống pháp luật đâu đó vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật; tính ổn định của pháp luật thấp, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, đó là hạn chế ngay chính trong cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật; chưa hoàn toàn bóc tách giữa công đoạn xây dựng và phân tích chính sách với công đoạn soạn thảo văn bản pháp luật. Việc xây dựng chính sách, pháp luật của chúng ta vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế…
Ngoài ra trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của người đứng đầu, của các bộ phận tham mưu, trách nhiệm giải trình, tuy đã được quy định nhưng còn chung chung. Đặc biệt là còn thiếu các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành các văn bản pháp luật sai trái.
Ngoài ra, đại biểu Trần Công Phàn cho biết, ở mức độ nhất định, có thể nói vẫn còn biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng nội dung các văn bản pháp luật, kể cả tư duy bao cấp, tư duy né tránh trách nhiệm… vẫn ít nhiều còn hiện hữu. Đây là những hạn chế mà thời gian gần đây đã được các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ và các doanh nghiệp đề cập.